Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu và biện pháp xử lý như thế nào?

Hợp đồng vô hiệu là một trong những chế định quan trọng của Pháp luật dân sự nói chung và pháp luật kinh doanh bảo hiểm nói riêng. Để kết luận một hợp đồng bảo hiểm có vô hiệu hay không, không những cần phải dựa vào những quy định pháp luật dân sự, mà tòa án còn phải dựa vào những quy định chuyên ngành của Luật kinh doanh bảo hiểm. Như vậy, hợp đồng bảo hiểm bị coi là vô hiệu trong những trường hợp nào? Và biện pháp xử lý trong những trường hợp này ra sao? Bài viết sau đây sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc về những vấn đề nói trên.

1. Hợp đồng bảo hiểm là gì? Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm?

Hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm bao gồm: hợp đồng bảo hiểm con người; hợp đồng bảo hiểm tài sản; hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Hợp đồng bảo hiểm cũng là một hợp đồng dân sự, vì thế hợp đồng bảo hiểm được coi là có hiệu lực cũng phải thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của một hợp đồng dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Dựa trên Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể thấy các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm gồm:

  • Bên mua bảo hiểm phải có năng lực hành vi dân sự (nếu là cả nhân) hoặc năng lực pháp luật dân sự (nếu là tổ chức), bên bảo hiểm phải có năng lực pháp luật dân sự;
  • Mục đích và nội dung của hợp đồng bảo hiểm không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
  • Các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm hoàn toàn tự nguyện;
  • Hợp đồng bảo hiểm phải được giao kết bằng văn bản.

Tuy nhiên, với tư cách là một loại hợp đồng đặc biệt và quan trọng không chỉ trong lĩnh vực dân sự nói chung mà còn trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói riêng, để một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phát sinh hiệu lực trên thực tế còn có rất nhiều yêu tố. Một trong số đó là nghĩa vụ khai báo thông tin trung thực và chính xác của người tham gia bảo hiểm. Người mua phải cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng sức khỏe của người được bảo hiểm, đặc biệt là những triệu chứng, bệnh lý đã được các doanh nghiệp đã soạn thành những câu hỏi có sẵn trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Bên cạnh đó, bên mua bảo hiểm cũng cần cung cấp những giấy tờ, chứng cứ đê chứng minh về các vấn đề liên quan đến tình trạng sức khỏe của bản thân.

2. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong những trường hợp nào?

Điều 22 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi bổ sung năm 2019) quy định như sau:

Điều 22. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu

Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm;

b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại;

c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật

Như vậy, về các trường hợp hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, ta có thể hiểu cụ thể như sau:

Thứ nhất, bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Quyền lợi có thể được bảo hiểm là quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền tài sản; quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm. Những quyền lợi chưa phát sinh hoặc đã chấm dứt thì không phải là quyền lợi có thể được bảo hiểm. Kể cả khi thời hạn có hiệu lực của hợp đồng vẫn còn nhưng bên mua bảo hiểm không còn quyền lợi có thể được bảo hiểm thì hợp đồng cũng sẽ vô hiệu.

Thứ hai, tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm không tồn tại. Đối tượng bảo hiểm là một trong những yếu tố không thể thiếu trong nội dung hợp đồng bảo hiểm. Nếu không xác định được đối tượng bảo hiểm, bên bảo hiểm không thể thực hiện nghĩa vụ gánh chịu rủi ro cho bên được bảo hiểm được. Đối tượng bảo hiểm không tồn tại cũng tể hiện việc bên bảo hiểm có sự lừa dối hoặc khiến cho bên bảo hiểm nhầm lẫn, và dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng.

Thứ ba, tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Như trên đã phân tích, sự kiện bảo hiểm phải là sự kiện khách quan, các bên không mong muốn xảy ra và không thể biết được tại thời điểm giao kết hợp đồng. Trường hợp bên mua bảo hiểm đã biết sự kiện bảo hiểm chắc chắn sẽ xảy ra hoặc đang xảy ra mà vẫn cố tình giao kết hợp đồng thì điều đó là sự lừa dối đối với bên bảo hiểm.

Thứ tư, bên mua bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm có hành vi lừa dối khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Lừa dối được hiểu là hành vi trái pháp luật mang tính chất cố ý của một người nhằm làm cho người khác nhầm lẫn về chủ thể, về tính chất của đối tượng hay nội dung của hợp đồng nên đã thể hiện ý chí mong muốn giao kết hợp đồng và đã xác lập hợp đồng có lợi cho người có hành vi trái pháp luật trên hoặc cho người thứ ba. Trong hợp đồng bảo hiểm, hành vi lừa dối có thể là hành vi có chủ ý của bên mua bảo hiểm trong việc cung cấp cho bên bảo hiểm những thông tin sai lệch về đối tượng được bảo hiểm hoặc cố ý không cung cấp cho bên bảo hiểm những thông tin cần thiết về đối tượng bảo hiểm. Hoặc bên bảo hiểm đưa ra những thông tin không chính xác về khả năng cung cấp, thực hiện các nghiệp vụ bảo hiểm, để bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng.

3. Xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thế nào?

Việc xử lý hợp đồng bảo hiểm vô hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015:

– Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

– Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu. Cụ thể: doanh nghiệp bảo hiểm trả lại phí bảo hiểm; bên được bảo hiểm trả lại số bồi thường, tiền trả bảo hiểm (nếu có) – toàn bộ hoặc tương ứng với phần bị vô hiệu; bên có lỗi đối với tình trạng vô hiệu của hợp đồng bảo hiểm phải bồi thường cho bên kia thiệt hại liên quan.

Như vậy, trong nhiều trường hợp, vì những lí do khách quan (ví dụ như người mua bảo hiểm nghe tư vấn không rõ ràng) dẫn đến việc không cung cấp đầy đủ các thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân cho doanh nghiệp bảo hiểm. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, trong quá trình thẩm định hồ sơ, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ cho rằng hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do khi người mua bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ khai báo thông tin. Doanh nghiệp chỉ đồng ý trả lại số tiền bảo hiểm mà người mua bảo hiểm đã đóng sau khi đã trừ đi các loại phí, lệ phí cần thiết mà không hề có bất kì khoản chi trả nào về sự kiện bảo hiểm đã xảy ra. Điều này là vô cùng thiệt thòi đối với người mua bảo hiểm. Do vậy, với bài viết này, chúng tôi mong rằng những ai đã, đang và sẽ có ý định tham gia hợp đồng bảo hiểm đặc biệt là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hãy tìm hiểu rõ ràng các quy định của pháp luật có liên quan, các quy tắc và điều khoản bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm, thận trọng trong quá trình tư vấn và sáng suốt trong quá trình giao kết hợp đồng, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình mà pháp luật đã quy định rõ ràng.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu và biện pháp xử lý“.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005  để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.