Giấy phép hoạt động phòng khám tư nhân

1. Căn cứ pháp lý

– Luật khám, chữa bệnh năm 2009;

– Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ y tế. 

2. Điều kiện xin cấp giấy phép

Theo Điều 43 Luật khám, chữa bệnh năm 2009, điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định như sau:

– Thứ nhất, đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;

– Thứ hai, có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;

– Thứ ba, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.

Ngoài ra, trường hợp đăng ký thành lập phòng khám chuyên khoa hoặc bác sĩ gia đình thì ngoài các điều kiện quy định nêu trên, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.

3. Thành phần hồ sơ

– Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

– Chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

– Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;

– Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định 109/2016/NĐ-CP;

– Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;

– Điều lệ tổ chức và hoạt động;

– Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

4. Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

Để xin giấy phép hoạt động phòng khám tư nhân, trước hết bạn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Sở Y tế tại nơi đặt cơ sở khám chữa bệnh.

– Trường hợp nộp trực tiếp: Cơ quan tiếp nhận ghi phiếu tiếp nhận cho người nộp hồ sơ;

– Trường hợp nộp qua đường bưu điện: trong thời hạn 03 ngày, tính từ thời điểm nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận gửi phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Cơ quan tiếp nhận phải cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở kinh doanh trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ.

– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở đề nghị cấp giấy phép hoạt động để hoàn chỉnh hồ sơ trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả

5. Cơ quan thực hiện: Sở Y tế nơi đặt phòng khám tư nhân

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về: “Trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động phòng khám tư nhân.”

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0983 533 005 để được tư vấn miễn phí. 

Trân trọng./.