Các quyền của cổ đông trong Công ty Cổ phần

Cổ đông là cá nhân, tổ chức sở hữu ít nhất một cổ phần của Công ty cổ phần, chịu trách nhiệm về tài sản và các nghĩa vụ khác trong phạm vi tỉ lệ số vốn góp vào công ty. Theo quy định của pháp luật, các quyền của cổ đông phụ thuộc vào số lượng, tỉ lệ phần trăm sở hữu cổ phần trong Công ty cổ phần.

1. Quyền của Cổ đông phổ thông

Cá nhân, tổ chức sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Quyền của Cổ đông phổ thông quy định như sau:

  • Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mọi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
  • Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
  • Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
  • Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật doanh nghiệp 2020 và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
  • Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
  • Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.

2. Quyền của Cổ đông phổ thông hoặc nhóm cổ đông phổ thông sở hữu từ 05% cổ phần phổ thông trở lên

  • Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
  • Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 115, Luật doanh nghiệp 2020;
  • Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh: nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra.

3. Quyền của Cổ đông phổ thông hoặc nhóm cổ đông phổ thông sở hữu từ 10% cổ phần phổ thông trở lên

  • Các cổ đông phổ thông hợp thành nhóm để đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát phải thông báo về việc họp nhóm cho các cổ đông dự họp biết trước khi khai mạc Đại hội đồng cổ đông;
  • Căn cứ số lượng thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản này được quyền đề cử một hoặc một số người theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông làm ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát. Trường hợp số ứng cử viên được cổ đông hoặc nhóm cổ đông đề cử thấp hơn số ứng cử viên mà họ được quyền đề cử theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông thì số ứng cử viên còn lại do Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và các cổ đông khác đề cử.

4. Quyền của Cổ đông phổ thông sở hữu 36% số cổ phần có quyền biểu quyết

  • Theo Khoản 1, Điều 148, Luật doanh nghiệp 2020 quy định về Điều kiện để nghị quyết của đại hội đồng cổ đông được thông qua: “1. Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”
  • Trong trường hợp trên thì số người không tán thành sẽ là 35%. Vậy nếu nắm 36% số cổ phần thì sẽ không đảm bảo được 65% cổ phần tán thành để được thông qua nghị quyết.
  • Do đó sở hữu 36% cổ phần của công ty thì sẽ có được quyền phủ quyết các vấn đề quan trọng của công ty

5. Quyền của Cổ đông phổ thông sở hữu 51% số cổ phần có quyền biểu quyết

  • Dẫn chiếu theo Khoản 2, Điều 148, Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “2. Các Nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 , 4 và 6 Điều này; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định”
  • Khi cổ đông nắm 51% sẽ có quyền tự mình thông qua các nghị quyết thông thường

6. Quyền của Cổ đông phổ thông sở hữu trên 65% số cổ phần có quyền biểu quyết

  • Có quyền quyết định rất nhiều vấn đề kể cả thông thường, hay những quyết định mang tính chất thay đổi lớn như: bán tài sản công ty, thay đổi giải thể phá sản công ty.
  • Khi đó toàn bộ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông đều được thông qua trừ trường hợp quy định tại khoản 3, 4 và 6 Điều 148, Luật doanh nghiệp 2020

7. Quyền của Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết

  • Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Quyền khác như quyền của cổ đông phổ thông
  • Không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.

8. Quyền của Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức

  • Nhận cổ tức theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2020;
  • Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản;
  • Quyền khác như quyền của cổ đông phổ thông.
  • Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.

9. Quyền của Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại

  • Quyền khác như quyền của cổ đông phổ thông.
  • Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 114 và khoản 6 Điều 148 Luật Doanh nghiệp 2020.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về Quyền của cô đông trong công ty cổ phần tại Việt Nam.

Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.

(Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thu Uyên)