Lao động nữ mang thai có được làm thêm giờ?

Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu được quy định tại khoản 2, Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể:

  1. Phải được sự đồng ý của người lao động;
  2. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
  3. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Để thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ thai sản, Điều 137 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Như vậy, nếu người lao động mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 (nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), người sử dụng lao động không được yêu cầu và để người lao động làm thêm giờ. Các trường hợp khác, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động mang thai làm thêm giờ theo quy định.

Nếu vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với từng hành vi vi phạm) theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Lao động nữ mang thai có được làm thêm giờ?“. Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí. Trân trọng./.