Pháp luật về con dấu trong Doanh nghiệp

Con dấu của doanh nghiệp có ý nghĩa hết sức quan trọng ngoài việc phân biệt giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Không chỉ thể hiện sự uy tín, giá trị mà còn để đại diện cho công ty, doanh nghiệp đó. Vậy con dấu doanh nghiệp là gì? Quy định của pháp luật về con dấu doanh nghiệp như thế nào?

1. Cơ sở pháp lý

– Luật doanh nghiệp 2020;

– Nghị định 130/ 2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

2. Nội dung cần tư vấn

2.1. Khái niệm về con dấu của doanh nghiệp

Căn cứ vào điều 43 Luật doanh nghiệp 2020:

Thứ nhất, con dấu của doanh nghiệp là một yếu tố có tính pháp lý mang dấu hiệu nhận biết của doanh nghiệp. Chúng được cấp sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục thành lập công ty hoặc sau khi thực hiện thủ tục thay đổi con dấu doanh nghiệp.

Thứ hai, con dấu của doanh nghiệp gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Thứ ba, căn cứ vào Nghị định 130/ 2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử, chữ ký này được tạo ra để mã hóa dữ liệu bằng một thông điệp và dùng mật mã không đối xứng, lúc này người có thông điệp theo dữ liệu sẽ khóa công khai chữ ký của người ký được xác định chính xác.

Như vậy, từ ngày 01/01/2021, chữ ký số được công nhận là hình thức dấu của doanh nghiệp.

2.2. Thẩm quyền quyết định con dấu của doanh nghiệp

Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2020 thì các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì thẩm quyền ra các quyết định liên quan tới con dấu cũng khác nhau.

Thứ nhất, đối với các loại hình doanh nghiệp bao gồm:

– Chủ doanh nghiệp tư nhân quyết định con dấu đối với doanh nghiệp tư nhân;

– Hội đồng thành viên quyết định con dấu đối với công ty hợp danh;

– Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty đối với công ty TNHH;

– Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần.

Thứ hai, nếu Điều lệ của doanh nghiệp có những quy định khác thì thẩm quyền đối với con dấu của doanh nghiệp sẽ tuân thủ theo quy định của Điều lệ đó.

2.3. Quy định về số lượng, hình thức, nội dung mẫu con dấu của doanh nghiệp

Thứ nhất, về số lượng, hình thức: Đối với mẫu con dấu bao gồm hình thức, kích cỡ, nội dung, màu mực và số lượng con dấu sẽ do các chủ thể có thẩm quyền nêu trên quyết định. Trước khi đưa vào sử dụng phải thông báo mẫu con dấu với cơ đăng ký kinh doanh để đăng thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký công ty.

Thứ hai, về nội dung: Con dấu của doanh nghiệp phải có nội dung về mã số công ty và tên công ty theo đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, công ty có thể bổ sung thêm các từ ngữ, hình ảnh khác vào nội dung con dấu của mình.

Lưu ý, nội dung con dấu không được vi phạm điều cấm theo quy định tại Điều 14 Nghị định 96/2015/NĐ – CP. Cụ thể nội dung con dấu không được sử dụng:

+ Quốc huy, quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng kỳ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Tên, hình ảnh, biểu tượng của nhà nước, cơ quan nhà nước, đơn vị công an, đơn vị quân đội, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp.

+ Từ ngữ, ký hiệu, hình ảnh có vi phạm đến truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

2.4. Quy định về quản lý, sử dụng con dấu của doanh nghiệp

Căn cứ vào khoản 3 Điều 43 Luật Doanh nghiệp quy định việc quản lý và lưu giữ dấu được thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc theo quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. 

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về thủ tục thành lập Công ty cổ phần tại Việt Nam. 

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.