Quyền và nghĩa vụ của người lao động
1. Các quyền của người lao động
1.1. Các quyền về làm việc, học nghề và được bảo vệ danh dự, nhân phẩm trong công việc
Căn cứ Điểm a Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Trong đó:
– Căn cứ Điều 10 Bộ luật lao động 2019, quyền làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp của người lao động được quy định như là quyền người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm. Đồng thời, người lao động cũng có quyền trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm kiếm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khỏe của mình.
– Căn cứ Khoản 1 Điều 59 Bộ luật lao động 2019, quyền học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp của người lao động được quy định là quyền được tự do lựa chọn đào tạo nghề nghiệp, tham gia đánh giá, công nhận kỹ năng nghề quốc gia, phát triển năng lực nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu việc làm và khả năng của mình.
– Căn cứ Khoản 8 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp. Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử.
– Căn cứ Khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác để ép buộc người lao động phải làm việc trái ý muốn của họ.
– Căn cứ Khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
1.2. Các quyền về lương, phúc lợi và điều kiện lao động
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.
Trong đó:
– Về lương, pháp luật có quy định người lao động có thể tự do thỏa thuận mức lương làm việc với người lao động, không giới hạn mức trần mà chỉ giới hạn ở mức sàn tối thiểu (lương tối thiểu)
– Về điều kiện lao động, pháp luật cũng có những quy định cụ thể về những điều kiện làm việc của người lao động. Ví dụ, theo Điểm c, d Khoản 6 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người lao động được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Về phúc lợi, pháp luật cũng quy định những quyền cụ thể về phúc lợi cho người lao động. Ví dụ, căn cứ Khoản 1 Điều 113 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc từ đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hàng năm hưởng nguyên lương 12 ngày đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.
1.3. Các quyền hội họp, đối thoại
Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động.
1.4. Về từ chối làm việc
Căn cứ Điểm d Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.
1.5. Về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt. Quyền này được quy định cụ thể tại Điều 35 Bộ luật lao động 2019, ví dụ người lao động sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng nếu thông báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày làm việc.
1.6. Quyền đình công
Căn cứ Điểm e Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có quyền đình công. Cụ thể, theo Điều 199 Bộ luật lao động 2019, tổ chức đại diện người lao động có quyền tiến hành thủ tục đình công khi Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
1.7. Các quyền khác theo pháp luật
Căn cứ Điểm f Khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động còn có các quyền khác theo quy định pháp luật. Ví dụ, theo Khoản 1 Điều 47 Bộ luật lao động 2019, người lao động sẽ có quyền hưởng trợ cấp mất việc làm khi bị người sử dụng lao động cho thôi việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
2. Các nghĩa vụ của người lao động
Căn cứ Khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động 2019, người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
– Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
– Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Ví dụ, theo Khoản 1 Điều 85 Bộ luật lao động 2019, người lao động làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn sẽ có nghĩa vụ đóng bằng 8% mức tiền lương tháng của mình vào quỹ tử tuất.
Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Doanh nghiệp cần xây dựng nội quy lao động như thế nào cho phù hợp với quy định pháp luật”
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất