Hậu quả khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Khái niệm chung sống như vợ chồng
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình 2014, kết hôn chính là việc nam và nữ cùng xác lập với nhau về quan hệ vợ chồng thông qua việc cùng nhau thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Như vậy, chỉ khi thực hiện xong thủ tục và có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì mối quan hệ hôn nhân này mới được pháp luật thừa nhận, bảo vệ.
Do đó, việc tổ chức sống chung với nhau, coi nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn được coi là chung sống như vợ chồng. Cụ thể, tại Khoản 7 Điều 3 Luật này quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”. Việc chung sống được chứng minh thông qua đời sống sinh hoạt chung, có tài sản chung, có con chung với nhau và được mọi người xung quanh thừa nhận là vợ chồng. Thời điểm phát sinh một trong những sự kiện trên sẽ được xác định là thời điểm mà nam, nữ bắt đầu cho việc có chung sống như vợ chồng với nhau.
2. Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng
2.1. Về quan hệ hôn nhân
Căn cứ theo Hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, có thể xác nhận, không phải trong mọi trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng đều không được pháp luật công nhận, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật HNGĐ 1986 có hiệu lực) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn (việc đăng ký kết hôn không bị hạn chế về thời gian).
– Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
– Trong trường hợp sau khi quan hệ vợ chồng đã được xác lập họ mới thực hiện việc đăng ký kết hôn, thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày xác lập (ngày họ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng), chứ không phải là chỉ được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Trường hợp 2: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn 02 năm (kể từ ngày 01/01/2001 – 01/01/ 2003). Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.
– Trong thời hạn này mà không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
– Đăng ký kết hôn trong thời hạn từ 01/01/2001 đến 01/01/2003 thì quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ vợ chồng hoặc chung sống với nhau như vợ chồng trên thực tế.
– Đăng ký kết hôn từ sau ngày 01/01/2003 thì quan hệ vợ chồng được công nhận là đã xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Trường hợp 3: quan hệ sống chung như vợ chồng của nam nữ bắt đầu từ thời điểm ngày 1/1/2001 đến nay mà không có đăng ký kết hôn thì đều không được pháp luật công nhận.
Việc nam và nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định nhưng chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Trên phương diện pháp luật, các bên vẫn thuộc trường hợp chưa có vợ, có chồng; nên một hoặc hai bên vẫn có quyền đăng ký kết hôn với người khác nếu đủ điều kiện mà người còn lại không có quyền phản đối. Khi các bên xảy ra mâu thuẫn, vi phạm quyền và nghĩa vụ thì tranh chấp này sẽ được giải quyết theo pháp luật dân sự như các chủ thể bình thường.
2.2. Về quyền, nghĩa vụ đối với con
Dù không được pháp luật thừa nhận về quan hệ hôn nhân nhưng quan hệ giữa cha, mẹ với con cái vẫn luôn được pháp luật bảo vệ. Do đó, đối với nam nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến các quyền cũng như trách nhiệm của họ đối với các con của mình. Họ vẫn có thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình đối với con như chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con,.. theo quy định tại Mục I chương V Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con. |
2.3. Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giải quyết quan hệ tài sản phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về vấn đề: “Hậu quả khi nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.”
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0983 533 005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất