Tại sao Luật sư không được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cả bị cáo và bị hại trong cùng vụ án
Thông tin trên báo chí gần đây phản ánh vụ việc Luật sư đồng nghiệp bị Đoàn Luật sư xử lý kỷ luật tạm đình chỉ tư cách thành viên 24 tháng do vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 9 Luật Luật sư; Quy tắc 15.1, Quy tắc 15.3.3 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Cùng tìm hiểu và phân tích Quy tắc 15.1, Quy tắc 15.3.3 Bộ Quy tắc để tránh sai lầm tương tự.
Quy tắc 15 Bộ Quy tắc quy định về xung đột về lợi ích trong hành nghề Luật sư, trong đó Quy tắc 15.1 định nghĩa về xung đột lợi ích: “Xung đột về lợi ích là trường hợp do ảnh hưởng từ quyền lợi của Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng hiện tại, khách hàng cũ, bên thứ ba dẫn đến tình huống Luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng”. Xung đột lợi ích trong Bộ Quy tắc gồm một số nội dung chính:
Thứ nhất, xung đột lợi ích phải bao hàm mối liên hệ giữa quyền lợi, nghĩa vụ của Luật sư đối với việc thực hiện vụ việc cho khách hàng. Quyền lợi của Luật sư ở đây có thể là quyền lợi vật chất như thù lao Luật sư, quyền lợi ích phi vật chất như uy tín, thương hiệu của Luật sư, việc thực hiện các vụ án được dư luận quan tâm qua đó tạo sự nổi tiếng của Luật sư. Nghĩa vụ của Luật sư ở đây gồm nghĩa vụ, trách nhiệm của Luật sư với công việc, với khách hàng, theo quy định của pháp luật, Bộ Quy tắc. Khách hàng trong quy định về xung đột lợi ích bao gồm khách hàng hiện tại, tức tổ chức, cá nhân đang được Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý tại thời điểm xảy ra xung đột lợi ích. Khách hàng cũ, tức tổ chức, cá nhân trước đây đã sử dụng dịch vụ của Luật sư và dịch vụ do Luật sư thực hiện với khách hàng đã chấm dứt tại thời điểm xảy ra xung đột lợi ích.
Bên thứ ba trong xung đột lợi ích là tổ chức, cá nhân có liên quan đến Luật sư, đến công việc Luật sư thực hiện hoặc đến vụ việc Luật sư đã, đang cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Bên thứ ba có thể là người thân của Luật sư, cán bộ nhân viên của Luật sư, đồng nghiệp Luật sư…
Thứ hai, nguyên nhân dẫn đến việc Luật sư bị hạn chế hoặc có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng là yếu tố bắt buộc cấu thành xung đột lợi ích. Tức vì có sự kiện pháp lý đó, do có mối liên hệ của sự kiện đó với cá nhân Luật sư dẫn đến việc Luật sư vô tình hoặc cố ý không thực hiện đầy đủ hoặc không thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ với khách hàng.
Thứ ba, nghĩa vụ bị xâm phạm hoặc có khả năng bị xâm phạm gồm: Nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng.
Quy tắc 15.1 quy định: “Luật sư không được nhận hoặc thực hiện vụ việc trong trường hợp có xung đột về lợi ích, trừ trường hợp được phép theo quy định của pháp luật hoặc theo Quy tắc này”. Bộ Quy tắc quy định khi có xung đột lợi ích Luật sư không được cung cấp dịch vụ pháp lý (không được nhận vụ việc hoặc phải từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc đã nhận) trừ một số trường hợp do pháp luật hoặc Bộ Quy tắc quy định.
Luật sư vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin của khách hàng, giả sử có trường hợp Luật sư bào chữa cho người bị buộc tội sau đó tiếp tục bảo vệ cho người bị hại sẽ có sự xung đột về vi phạm nghĩa vụ bảo mật thông tin. Vì khi bảo vệ cho người bị buộc tội Luật sư được biết thông tin bất lợi, có lợi cho cho người bị buộc tội, đến khi bảo vệ cho bị hại Luật sư sẽ sử dụng các thông tin mà mình biết được để bảo vệ cho bị hại và sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo. Trường hợp Luật sư biết các thông tin có lợi cho bị hại tức các thông tin bất lợi cho người bị buộc tội nhưng Luật sư không sử dụng các thông tin đó để bảo vệ cho bị hại thì Luật sư sẽ vi phạm nguyên tắc bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng. Vì rõ ràng Luật sư đã biết nhưng không sử dụng các thông tin có lợi để bảo vệ khách hàng của mình. Đây là ví dụ minh họa cho nội dung quy định tại Quy tắc 15.3.3 Bộ Quy tắc quy định cụ thể trường hợp xung đột lợi ích: “Vụ việc trong đó khách hàng mới có quyền lợi đối lập với khách hàng cũ trong cùng một vụ việc hoặc vụ việc khác có liên quan trực tiếp mà trước đó Luật sư đã thực hiện cho khách hàng cũ”. Ví dụ nêu trên cũng làm rõ nguyên tắc Luật sư không thể bảo vệ cho khách hàng có quyền lợi ích đối lập nhau trong cùng vụ án, vụ việc.
Theo: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Tin Tức mới nhất