Căn cứ cưỡng chế thi hành án dân sự
1. Cưỡng chế thi hành án dân sự
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 9 Luật thi hành án dân sự 2008: “Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật này”.
Sau khi Bản án/ Quyết định đã có hiệu lực pháp luật, người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Như vậy, Nhà nước khuyến khích đương sự tự nguyện thi hành án. Người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.
2. Căn cứ cưỡng chế thi hành án dân sự
Cưỡng chế thi hành án dân sự cần có những căn cứ sau đây:
a. Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật
Bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật gồm Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm; Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam;
b. Quyết định thi hành án;
Trong thời hạn được quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự 2008 người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án đối với phần Bản án, Quyết định sau đây:
- Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
- Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
- Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
- Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
- Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
c. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.
Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Căn cứ cưỡng chế thi hành án dân sự“. Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất