Sử dụng cổ phần sở hữu tại Việt Nam để góp vốn thành lập doanh nghiệp tại nước ngoài
1. Quyền sử dụng cổ phần trong công ty Việt Nam để góp vốn vào doanh nghiệp nước ngoài
Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định chi tiết về quyền sử dụng cổ phần trong công ty Việt Nam để góp vốn vào doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, trong các quyền của cổ đông được quy định tại Luật Doanh nghiệp, cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp không được chuyển nhượng theo quy định pháp luật.
Xét về bản chất, sử dụng cổ phần của công ty để góp vốn vào công ty khác có ý nghĩa tương tự như việc chuyển nhượng cổ phần theo Luật Doanh Nghiệp, bởi lẽ kết quả của một cổ đông chuyển nhượng cổ phần của mình cho một bên thứ ba khác thì bên nhận chuyển nhượng trở thành cổ đông của công ty tương ứng với số cổ phần nhận chuyển nhượng. Kết quả của việc một cổ đông sử dụng số cổ phần của mình tại một công ty góp vốn vào doanh nghiệp khác này thì doanh nghiệp mới thành lập sẽ đương nhiên trở thành chủ sở hữu cổ phần đó, từ đó trở thành cổ đông của công ty ban đầu. Do đó, việc cổ đông sử dụng cổ phần của mình để góp vào một pháp nhân khác cũng được xem là chuyển nhượng cổ phần. Đồng thời pháp luật doanh nghiệp không có quy định cấm cũng như không quy định cụ thể điều kiện để thực hiện quyền này.
Nhìn chung, tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có thể là tiền, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ hoặc các tài sản khác được định giá bằng tiền theo quy định pháp luật của mỗi quốc gia. Cổ phần cũng là một loại tài sản có thể định giá được nên cổ phần cũng được xem là một tài sản góp vốn.
Tuy nhiên, với đặc thù giao dịch sử dụng cổ phần để góp vốn sẽ không phát sinh việc góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp mới thành lập và phụ thuộc vào quy định liên quan đến việc thành lập công ty của nước sở tại nơi doanh nghiệp dự kiến góp vốn. Trước khi chuẩn bị thực hiện giao dịch, các bên nên nghiên cứu thêm quy định của nước ngoài.
2. Nhà đầu tư Việt Nam thực hiện giao dịch sử dụng cổ phần tại công ty Việt Nam để góp vốn vào doanh nghiệp nước ngoài
Theo quy định pháp luật Việt Nam, đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn hoặc thanh toán mua một phần hoặc toàn bộ cơ sở kinh doanh; hoặc xác lập quyền sở hữu để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; đồng thời trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư đó. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức sau đây:
– Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;
– Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;
– Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;
– Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Dựa trên các hình thức đầu tư ra nước ngoài nêu trên, xét về bản chất, nhà đầu tư Việt Nam sử dụng cổ phần tại Việt Nam để góp vốn, thành lập tổ chức kinh tế ở nước ngoài là hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế là một hình thức đầu tư trực tiếp.
Đối với trường hợp này, về phía Việt Nam, cá nhân hoặc tổ chức Việt Nam phải thực hiện hai thủ tục như sau:
– Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Xin xác nhận Đăng ký giao dịch ngoại hối tại Chi Nhánh Ngân Hàng Nhà Nước theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
3. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch sử dụng cổ phần tại công ty Việt Nam để góp vốn vào doanh nghiệp nước ngoài
Ngược lại với trường hợp nhà đầu tư Việt Nam, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sử dụng cổ phần của mình tại Việt Nam để góp vốn, thành lập doanh nghiệp nước ngoài không được xem là một hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu Tư hiện hành bởi lẽ giao dịch góp vốn được thực hiện hoàn toàn tại nước ngoài và các nhà đầu tư nước ngoài không thuộc đối tượng thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.
Đồng thời, kết quả của quyền sử dụng cổ phần trong công ty để góp vốn vào doanh nghiệp khác, hoàn toàn không phát sinh bất kỳ hoạt động chuyển/nhận tiền giữa các bên nên nhà đầu tư nước ngoài không cần phải xin chấp thuận hoặc quyết định nào liên quan đến hoạt động quản lý ngoại hối theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tin Tức mới nhất