Tự ý hủy hợp đồng đặt cọc phải bồi thường như thế nào?
Cùng với sự phát triển của xã hội, các giao dịch dân sự diễn ra ngày càng thường xuyên và đa dạng. Một quan hệ pháp luật không thể phát sinh đúng như thỏa thuận có thể dẫn tới nhiều thiệt hại phát sinh cho chủ thể tham gia hợp đồng. Để đảm bảo cho các giao dịch có thể diễn ra đúng như ý chí ban đầu của các bên, các chế định bảo đảm đã ra đời. Đặt cọc là 01 trong 09 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Điều 292 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy trong trường hợp tự huỷ hợp đồng đặt cọc thì phải bồi thường như thế nào?
1. Đặt cọc theo pháp luật dân sự.
Biện pháp đặt cọc thường được sử dụng để bảo đảm cho việc giao kết và/hoặc thực hiện hợp đồng giữa các chủ thể, thường thấy nhất trong đời sống dân sự là các giao dịch đặt cọc để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hay đảm bảo cho việc giao kết hợp đồng mua bán.
Trong pháp luật dân sự, khoản 1 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa “Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng”.
2. Vấn đề bồi thường khi huỷ cọc quy định như thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì vấn đề bồi thường khi hủy cọc được quy định như sau:
“Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác“.
Như vậy, theo quy định trên có hai trường hợp huỷ cọc:
Trường hợp 1: Bên huỷ cọc là bên nhận cọc thì bên đặt cọc sẽ được nhận lại tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Trường hợp 2: Bên huỷ cọc là bên đặt cọc thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận cọc
Bồi thường thiệt hại khi huỷ cọc
Bên huỷ cóc còn phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi huỷ cọc gây thiệt hại cho bên kia. Việc bồi thường thiệt hại căn cứ theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.”
Bản chất hợp đồng đặt cọc hay hợp đồng có điều khoản đặt cọc đều quy định quyền và nghĩa vụ của người đặt cọc. Do đó, nếu bên bị vi phạm nghĩa vụ chứng minh được thiệt hại diễn ra và thiệt hại đó là hệ quả của việc vi phạm nghĩa vụ thì sẽ được bồi thường theo quy định trên.
Trường hợp hủy cọc nhưng không phải bồi thường
Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại trong các trường hợp:
– Bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
– Bên kia vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nêu trong hợp đồng;
– Trường hợp khác do luật định.
Vi phạm nghiêm trọng là việc không thực hiện đúng nghĩa vụ của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng. Có thể thấy, nếu thuộc các trường hợp nếu trên bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng đặt cọc mà không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Bên hủy hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường.
Tin Tức mới nhất