Điều kiện đăng ký hoạt động ngành nghề môi giới mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khu chế xuất
I. Căn cứ pháp lý
– Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17 tháng 06 năm 2020;
– Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất;
– Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2018;
II. Giải thích từ ngữ
Trong Luật Thương mại số 36/2005/QH11 về quy định của hoạt động thương mại giải thích về môi giới như sau:
“Môi giới là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân làm trung gian (gọi là bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (gọi là bên được môi giới) trong việc đàm phán, giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ và được hưởng thù lao theo hợp đồng môi giới.”
Môi giới là hoạt động làm cầu nối trung gian cho các bên tham gia gặp gỡ, tiếp xúc, từ đó thiết lập mối quan hệ và đàm phán để hưởng thù lao. Người môi giới có nhiệm vụ đi mời chào, giới thiệu những sản phẩm của bên bán cho khách hàng. Ngoài ra, người môi giới có thể hỗ trợ việc ký kết hợp đồng của các bên nhưng không được trực tiếp thực hiện giao kết hợp đồng.
Theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 07 năm 2018, môi giới mua bán hàng hóa có mã VSIC 46102 và được phân loại vào nhóm “461-4610: đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa”.
Theo đó, hoạt động môi giới mua, bán các loại hàng hóa mà thương nhân là trung gian (bên môi giới) cho các bên mua bán hàng hóa (bên được môi giới) về các loại hàng hóa, bao gồm:
- Nông, lâm sản nguyên dạng, động vật sống, nguyên liệu dệt thô và bán thành phẩm;
- Nhiên liệu, quặng, kim loại và hoá chất công nghiệp, phân bón;
- Lương thực, thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thuốc lá thuốc lào;
- Hàng dệt, may sẵn, hàng da lông thú, giày, dép, các sản phẩm da và giả da;
- Gỗ xây dựng và nguyên, vật liệu xây dựng;
- Máy móc, thiết bị, kể cả máy văn phòng, máy vi tính, thiết bị công nghiệp, tàu thuyền và máy bay;
- Giường, tủ, bàn, ghế và đồ dùng nội thất tương tự, đồ dùng gia đình, hàng gia dụng và đồ ngũ kim.
Hiện tại, danh mục các ngành/phân ngành được liệt kê trong Biểu cam kết WTO cũng như mô tả các ngành/phân ngành trong CPC của Liên Hợp Quốc (hệ thống phân loại ѕản phẩm trung tâm của Liên Hợp Quốc) nêu trên không có phân loại hoặc mô tả cụ thể về hoạt động môi giới, mua bán hàng hóa. Vì vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện đăng ký hoạt động ngành nghề có thể gặp khó khăn.
III. Lưu ý khi đăng ký hoạt động mục tiêu ngành nghề môi giới mua bán hàng hóa trong khu chế xuất đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Khu chế xuất được định nghĩa theo Luật Đầu tư 2020 là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu. Những năm gần đây, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng chọn các khu vực thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp, … làm nơi để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình vì những khu vực trên là địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên, khi hoạt động trong khu chế xuất, doanh nghiệp sẽ chịu sự quản lý của Ban Quản lý khu chế xuất nếu có hoạt động điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Đầu tư 2020. Điều này có nghĩa, khi doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh mục tiêu thực hiện dự án, cụ thể bổ sung ngành nghề “Môi giới mua bán hàng hóa”, Ban Quản lý khu chế xuất vẫn có quyền xem xét phê duyệt hoặc từ chối hồ sơ của doanh nghiệp.
Mặc dù thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Apolat Legal, ngành nghề “Môi giới mua bán hàng hóa” là ngành nghề chưa được cam kết trong Biểu Cam kết WTO và trường hợp doanh nghiệp còn được đặt trong khu chế xuất, vì vậy Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi công văn tham khảo ý kiến của Ban Quản lý khu chế xuất về việc bổ sung ngành nghề “Môi giới mua bán hàng hóa” cho doanh nghiệp. Trên thực tế, Ban Quản lý khu chế xuất sẽ từ chối đề nghị bổ sung ngành nghề của doanh nghiệp với lý do hoạt động môi giới mua bán hàng hóa không thuộc phạm vi hoạt động của khu chế xuất và từ quan điểm của Ban Quản lý khu chế xuất, Phòng Đăng ký kinh doanh có thể từ chối hồ sơ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và khả năng nắm bắt, hiểu rõ quy định pháp luật của mình, Apolat Legal đã thành công hỗ trợ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép hoạt động ngành nghề “Môi giới mua bán hàng hóa” với điều kiện hoạt động phù hợp với quy định của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý khu chế xuất.
Trên đây là một số vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến đăng ký bổ sung ngành nghề “Môi giới mua bán hàng hóa” cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động của khu chế xuất. Tuỳ thuộc vào đặc thù của mỗi doanh nghiệp mà doanh nghiệp cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật và đồng thời đáp ứng điều kiện hoạt động của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Ban Quản lý khu chế xuất.
Tin Tức mới nhất