Thủ tục công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng
1. Quy định pháp luật về Tài sản riêng của vợ chồng
Căn cứ quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tài sản riêng của vợ chồng được xác định như sau:
“1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”
Như vậy, có thể hiểu, tài sản riêng vợ, chồng bao gồm:
– Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước giai đoan hôn nhân;
– Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tài sản được chia riêng cho vợ, chồng khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định;
– Tài sản được vợ chồng thỏa thuận là tài sản riêng;
– Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng;
– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng.
Theo đó, vợ chồng có quyền sở hữu tài sản riêng của mình (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt). Vợ, chồng cũng có thể quyết định việc nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng.
2. Quy định về thỏa thuận xác lập, phân chia tài sản của vợ chồng
Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về thỏa thuận xác lập tài sản của vợ chồng theo đó: “Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận”.
Bên cạnh đó, theo Điều 38, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung trừ trường hợp chia tài sản chung trong hôn nhân bị vô hiệu theo pháp luật” Thỏa thuận này cũng cần được công chứng, chứng thực để đảm bảo giá trị pháp lý.
Như vậy, để có thể đảm bảo quyền lợi của mình và giảm thiểu tối đa tranh chấp liên quan đến vấn đề tài sản, vợ chồng có thể lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận (thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng,… của vợ chồng trong hôn nhân) ngay cả trước và trong thời kỳ hôn nhân.
Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng sau khi được xác lập sẽ có hiệu lực từ ngày đăng ký kết hôn (Điều 47). Tuy nhiên, thỏa thuận này cần phải đáp ứng đầy đủ hai điều kiện:
– Thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn;
– Thỏa thuận phải được lập bằng hình thức văn bản, đồng thời được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định.
Ngoài ra. căn cứ tại Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp chia tài sản chung trong hôn nhân bị vô hiệu theo pháp luật. Cũng giống như thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng thì văn bản này cũng được công chứng, chứng thực.
Do đó, vợ, chồng có thể xác lập văn bản xác nhận tài sản riêng nhằm đảm bảo được quyền lợi và giảm thiểu các rủi ro tranh chấp có thể phát sinh sau này.
3. Hồ sơ xác nhận tài sản riêng vợ chồng
Khi người yêu cầu công chứng, chứng thực cần chuẩn bị những giấy tờ, tài liệu sau:
– Văn bản xác nhận tài sản riêng có đầy đủ chữ ký của hai vợ chồng (văn bản này có thể do vợ chồng tự soạn thảo theo mẫu văn bản hướng dẫn trên mạng hoặc do văn phòng công chứng soạn thảo để đảm bảo tính xác thực, chính xác và pháp lý của văn bản).
– Phiếu yêu cầu công chứng đã thể hiện đầy đủ nội dung cần công chứng, thông tin của người yêu cầu công chứng, danh mục các tài liệu, giấy tờ liên quan.
– Giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng bản gốc.
– Bản sao công chứng giấy tờ tùy thân của vợ, chồng (CMND, CCCD, Hộ chiếu).
– Bản sao công chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản có liên quan đến tài sản riêng cần xác nhận.
– Các giấy tờ khác (nếu có) liên quan đến việc xác nhận tài sản riêng.
4. Trình tự thủ tục công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng
Thủ tục công chứng văn bản xác nhận tài sản riêng được thực hiện theo các bước như sau.
Bước 1: Nộp hồ sơ tại tổ chức hành nghề công chứng
Người yêu cầu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo Mục 3 và nộp tại tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực: văn phòng công chứng, Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc ủy ban nhân dân cấp xã.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ và thụ lý giải quyết hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ:
– Nếu hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ và hợp lệ thì sẽ được thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
– Trường hợp không hợp lệ hoặc chưa đầy đủ thì Công chứng viên có thể yêu cầu chỉnh sửa, nộp bổ sung hồ sơ.
– Nếu sau khi chỉnh sửa, bổ sung mà hồ sơ vẫn không hợp lệ thì có thể từ chối thụ lý hồ sơ và nêu rõ lý do từ chối bằng văn bản.
Bước 3: Hướng dẫn quy định
Sau khi hồ sơ được thụ lý, công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu một số thông tin như: quy định của thủ tục công chứng, quyền và nghĩa vụ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của vợ chồng khi xác nhận tài sản riêng.
Bước 4: Làm rõ các vấn đề (nếu có) và kiểm tra dự thảo
Công chứng viên kiểm tra văn bản dự thảo xem có điều khoản nào vi phạm quy định pháp luật, trái với đạo đức xã hội hoặc không chính xác. Nếu có thì công chứng viên phải chỉ rõ để người yêu cầu công chứng sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có thể từ chối việc công chứng.
Bước 5: Ký và trả kết quả công chứng
Công chứng viên yêu cầu vợ chồng ký hoặc điểm chỉ vào từng trang của văn bản thỏa thuận tài sản riêng của vợ, chồng. Việc ký hoặc điểm chỉ này phải được diễn ra tại văn phòng công chứng dưới sự chứng kiến của Công chứng viên để đảm bảo được tính khách quan.
Sau khi ký xong, người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính các tài liệu, giấy tờ liên quan để Công chứng viên đối chiếu lại, ghi lời chứng và ký vào từng trang của văn bản xác nhận tài sản riêng được yêu cầu công chứng. Khi hoàn thành thủ tục công chứng văn bản xác nhận tài sản, kết quả sẽ được trả cho người yêu cầu.
Người yêu cầu công chứng có nghĩa vụ nộp lệ phí, thù lao công chứng cho Công chứng viên hoặc thu ngân của văn phòng công chứng.
5. Thời hạn công chứng
Thời hạn công chứng được quy định tại Điều 43 Luật Công chứng 2014, theo đó:
“Thời hạn công chứng được xác định kể từ ngày thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng.
Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.
Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.”
Tin Tức mới nhất