Những điều cần lưu ý khi mua lại công ty cũ, công ty phá sản

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật viên chức 2010;

2. Luật Phá sản 2014;

3. Luật Phòng chống tham nhũng 2018;

4. Luật Doanh nghiệp 2020.

II. Khái quát về mua lại công ty cũ, công ty phá sản

1. Mua lại công ty cũ, mua công ty phá sản là gì?

Mua lại công ty là hoạt động của một doanh nghiệp, công ty trực tiếp hoặc gián tiếp mua một phần hoặc toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp, công ty khác từ đó giành được quyền sở hữu, kiểm soát, chi phối hoạt động của doanh nghiệp, công ty hoặc ngành, nghề bị mua lại. Đây chính là một phần của hoạt động mua lại và sáp nhập hay còn gọi với thuật ngữ M&A (Mergers & Acquisitions). Trong bài viết này, chúng ta sẽ đề cập tới khía cạnh mua lại công ty (M – Mergers).

2. Mục đích của các cá nhân, tổ chức khi mua lại công ty cũ, mua công ty phá sản

– Mục đích được thể hiện rõ ràng nhất khi các cá nhân hay công ty quyết định mua lại một công ty khác đó là để hoạt động kinh doanh mà không muốn mất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục thành lập, phát triển công ty mới. 

– Những người mua lại công ty có thể được kế thừa những di sản mà các doanh nghiệp bị mua lại đã để lại trước đó, góp phần tạo dựng nền tảng để doanh nghiệp mới đi vào kinh doanh nhanh chóng, cũng qua đó mà rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm của những công ty bị mua lại, thông qua đó tránh vấp phải sai lầm đó lần nữa và thực hiện tốt hơn trong tương lai. 

– Đối với những mô hình doanh nghiệp lớn hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể, việc mua lại một công ty cũng chính là việc doanh nghiệp đầu tư để mở rộng việc kinh doanh của mình sang những ngành nghề khác. Qua đó, giúp công ty tăng doanh thu, tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng hơn.

3. Chủ thể nào có quyền mua lại công ty cũ, mua công ty phá sản?

– Căn cứ tại Khoản 3 Điều 17 Luật doanh nghiệp 2020 thì bất kỳ chủ thể nào có nhu cầu (doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân), có chi phí để mua lại cổ phần, phần vốn góp hoặc tài sản công ty thì đều có thể mua lại công ty cũ hoặc mua công ty phá sản, trừ những cá nhân, tổ chức bị cấm góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định pháp luật, bao gồm:

1. Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

2. Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.

– Đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức – đây là những người bị hạn chế khá nhiều trong việc góp vốn thì tùy từng loại công ty mà những cá nhân này có thể tham gia góp vốn như sau:

1. Góp vốn vào công ty cổ phần: Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được trở thành cổ đông góp vốn. Không được trở thành hội đồng quản trị hay ban kiểm soát của doanh nghiệp.

2. Góp vốn vào công ty hợp danh: cán bộ, công chức, viên chức chỉ được tham gia với vai trò là thành viên góp vốn, không được tham gia trở thành thành viên hợp danh. 

3. Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn: cán bộ, công chức, viên chức bị cấm góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

III. Một số điều cần lưu ý khi mua lại công ty cũ, công ty phá sản

1. Lợi ích khi mua lại công ty cũ, công ty phá sản

– Khi mua lại thành công một công ty cũ, công ty phá sản, mã số thuế cũng như ngày cấp Giấy phép đăng ký thành lập doanh nghiệp đầu tiên của công ty đó sẽ không bị thay đổi, do đó nền tảng lịch sử của công ty trước đó sẽ được lưu giữ.

– Khi mua lại một công ty, các bên thường chuyển giao một phần hoặc toàn bộ cơ sở vật chất, nhân sự, tài liệu và sổ sách, quy trình kinh doanh, bí mật công nghệ,… của doanh nghiệp từ chủ cũ sang cho chủ sở hữu mới.

– Việc bên mua tiếp quản công ty được mua khi kết thúc quá trình mua bán cũng bao gồm danh sách các khách hàng thân thiết và tiềm năng của công ty đó. Vì vậy, nếu bên tiếp quản công ty tiếp tục hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đó công ty đã kinh doanh thì có thể nhận được những lợi ích không nhỏ từ điều này và không phải tốn nhiều công sức để tìm kiếm các tệp khách hàng.

– Đối với các doanh nghiệp mới đi vào kinh doanh, cần mất một khoảng thời gian, tiền bạc để khách hàng tiếp cận, nhận biết, trải nghiệm và tin tưởng thương hiệu của doanh nghiệp. Nhưng nếu chúng ta mua một công ty sở hữu thương hiệu đã tồn tại và có danh tiếng tốt, như vậy công việc cần làm tiếp theo khá đơn giản đó là tiếp tục quảng bá thương hiệu rộng rãi tới người dùng hơn. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng nếu sau khi hoàn thành việc mua lại công ty mới phát hiện ra những vấn đề của thương hiệu thì cần giải quyết những vấn đề đó sớm nhất có thể.

– Ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do mỗi công ty nắm giữ, đối với những lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện yêu cầu phải có thêm giấy phép do cơ quan chuyên môn cấp (giấy phép con). Những công ty đã thành lập được mua lại cũng sẽ giúp tiết kiệm thời gian làm thủ tục xin giấy phép con vì các công ty này đã có sẵn giấy phép con trước đó.

2. Rủi ro có thể xảy ra nếu mua lại công ty cũ, mua công ty phá sản

Khi thực hiện việc mua lại một công ty cũ, công ty phá sản, ngoài những lợi ích nó đem lại như đã nêu ở trên thì người mua còn phải chú ý những rủi ro về pháp lý, về tài chính có thể xảy đến từ việc mua lại công ty, có thể kể đến những rủi ro như:

– Rủi ro tới từ việc bên đối tác có thể không hành động đúng như thỏa thuận của các bên gây thiệt hại cho bên còn lại.

– Rủi ro về tình trạng pháp lý doanh nghiệp bị mua lại, ví dụ như doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh do vi phạm hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong trường hợp bị bắt buộc phải phá sản, các vi phạm pháp luật khác trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

– Rủi ro từ các hành động của những người quản lý công ty và nhân viên, có thể là cố ý hoặc vô tình gây ra những xung đột khó giải quyết với các bên khác hoặc trong chính nội bộ công ty. Điều này hoàn toàn có thể dẫn đến việc công ty bị vướng vào kiện tụng hoặc bị lôi kéo vào các vấn đề pháp lý khác.

– Người mua lại công ty nên xem xét toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty, bao gồm vốn, tài sản và nợ phải trả khi xem xét, đánh giá giá trị của công ty đó. Bởi vì rủi ro kinh tế có thể xảy ra nếu hoạt động kiểm tra đánh giá của người mua không kỹ lương, có thể như là rủi ro về nguồn vốn (vốn thực góp không đúng với số liệu đã đăng ký, định giá tài sản góp vốn không đúng,…); các rủi ro về nợ phải trả còn tồn đọng với các bên khác,…

3. Những ưu và nhược điểm khi mua lại công ty cũ

– Ưu điểm: Việc mua lại công ty cũ giúp cho người mua có được những lợi ích có sẵn, rút ngắn thời gian đạt mục tiêu cũng như giảm chi phí bằng những vấn đề như: thương hiệu, nhãn hiệu, cơ sở vật chất, tệp khách hàng trung thành sẵn có, uy tín trên thị trường, những loại giấy phép đã được cấp,…

– Nhược điểm:

+ Phía người mua sẽ gánh chịu thay cho chủ sở hữu cũ tất cả các quyền và nghĩa vụ của công ty, bao gồm các khoản nợ và các khoản phạt do vi phạm pháp luật của công ty trong quá khứ. Chính vì vậy, trong trường hợp này phía chủ sở hữu mới sẽ phải thay chủ cũ thực hiện, giải quyết các quyền và nghĩa vụ còn tồn đọng này.

+ Quy trình làm việc và phương thức quản lý công ty không phù hợp với nhau sẽ khó giải quyết khi phát sinh mâu thuẫn nội bộ. Vậy nên công ty mua cần cân nhắc và tìm hướng giải quyết khi có mâu thuẫn xảy ra, bởi việc mâu thuẫn giữa công ty với nhau là điều khó tránh khỏi trong quá trình tiếp quản và đi vào hoạt động. 

+ Doanh nghiệp khi mua lại công ty, bước đầu sẽ tốn nhiều chi phí để tiếp quản công ty và hoạt động kinh doanh trở lại. Mục đích mà các doanh nghiệp mua công ty mong muốn đó là phát sinh doanh thu từ việc hoạt động kinh doanh, các lơi ích khác từ phía công ty bị mua lại, mà rủi ro trong việc không thể đạt được những điều này là hoàn toàn có thể xảy ra nên doanh nghiệp mua cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư vốn mua một doanh nghiệp.

4. Những ưu điểm, nhược điểm khi mua lại công ty phá sản

– Ưu điểm:

+ Trong trường hợp công ty phá sản bị mua lại là một trong những đối thủ cạnh tranh trong một vài lĩnh vực của doanh nghiệp thì việc mua lại công ty phá sản không chỉ giúp công ty được tiếp tục hoạt động mà còn dần chiếm lĩnh thị trường khi đã giảm được một đối thủ cạnh tranh, điều này sẽ đem lại một nguồn lợi nhuận cũng như lợi ích không hề nhỏ cho phía người mua.

+ Một điều quan trọng khác mà phía doanh nghiệp mua lại công ty phá sản có thể nhận được đó chính là học hỏi và rút kinh nghiệm từ những sai lầm của công ty đó, điều mà gây ra sự sụp đổ dẫn tới việc phá sản của công ty bị mua lại. Từ đó họ có thể giảm thiểu bớt rủi ro và hoàn thiện tốt hơn, nâng cao chất lượng quản lý, hoạt động, nhân sự của công ty.

+ Với tệp khách hàng sẵn có trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của công ty phá sản, doanh nghiệp mua lại công ty và đưa vào hoạt động kinh doanh trở lại sẽ có thể tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức tìm kiếm khách hàng, đây là một lợi ích to lớn và rõ ràng đối với các doanh nghiệp.

+ Trong trường hợp mua lại một doanh nghiệp mà hoạt động trong lĩnh vực khác với phía doanh nghiệp mua lại, thì việc mua lại công ty phá sản cũng giúp doanh nghiệp đó đa dạng hoá sản phẩm và dịch vụ kinh doanh của mình.

– Nhược điểm:

+ Như đã đề cập ở trên, việc mua lại một công ty phá sàn luôn tiềm tàng những rủi ro về tình trạng pháp lý doanh nghiệp bị mua lại, như doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh do trước đó đã vi phạm hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ về thuế, doanh nghiệp đó trong trường hợp bị bắt buộc phải phá sản theo quy định của pháp luật, các vi phạm pháp luật khác trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

+ Rủi ro phát sinh từ các cơ quan quyền lực Nhà nước. Các chủ thể có quyền ra quyết định hành chính và có quyền cưỡng chế thi hành các quyết định trên, trog các quyết định này có thể có các quyết định mang nội dung gây cản trở, hạn chế, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

+ Từ hành vi pháp lý của đối tác, có thể thực hiện hoặc không thực hiện hành vi theo thỏa thuận giữa các bên mua và bán. Rủi ro phát sinh do sự cố ý, vô ý, cẩu thả hoặc chủ quan của người quản lý, nhân viên công ty gây ra tranh chấp nội bộ, v.v… dẫn đến việc Công ty bị vướng vào vụ kiện hoặc liên quan đến các vấn đề pháp lý khác.