Các điều khoản trong Hợp đồng thuê nhà
Căn cứ theo quy định tại Điều 121 Luật nhà ở 2014, Hợp đồng thuê nhà được các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó;
Đối với hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
Lưu ý: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 163 Luật Nhà ở 2023 (có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01/01/2025), đối với hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ thêm các nội dung: thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu; trách nhiệm đóng, mức đóng kinh phí bảo trì và thông tin tài khoản nộp kinh phí bảo trì.
3. Giá giao dịch nhà thuê;
4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền;
5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho thuê;
Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.
Trường hợp chưa hết hạn hợp đồng thuê nhà ở mà bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở. Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.
6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
Thông thường, trong Hợp đồng thuê nhà, các bên sẽ thoả thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên như sau:
Quyền và nghĩa vụ của Bên cho thuê:
– Yêu cầu Bên Thuê thanh toán tiền thuê và chi phí khác đầy đủ, đúng hạn theo thoả thuận trong Hợp Đồng;
– Yêu cầu Bên Thuê phải sửa chữa phần hư hỏng, thiệt hại do lỗi của Bên Thuê gây ra.
– Đảm bảo rằng Bên Thuê có quyền sở hữu và quyền cho thuê hợp pháp đối với Nhà cho thuê đồng thời đảm bảo Nhà cho thuê không có tranh chấp.
– Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp luật định hoặc các bên có thoả thuận khác.
– Bàn giao diện tích thuê cho Bên Thuê theo đúng thời gian quy định trong Hợp đồng;
– Đảm bảo cho Bên Thuê thực hiện quyền sử dụng diện tích thuê một cách độc lập và liên tục trong suốt thời hạn thuê, trừ trường hợp vi phạm pháp luật và/hoặc các quy định của Hợp đồng này.
Quyền và nghĩa vụ của Bên Thuê:
– Nhận bàn giao diện tích thuê theo đúng thoả thuận trong Hợp đồng;
– Được sử dụng phần diện tích thuê làm nơi ở và các hoạt động hợp pháp khác;
– Yêu cầu Bên Cho Thuê sửa chữa kịp thời những hư hỏng không phải do lỗi của Bên Thuê trong phần diện tích thuê để bảo đảm an toàn;
– Được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp luật định hoặc các bên có thoả thuận khác.
– Sử dụng diện tích thuê đúng mục đích đã thỏa thuận, giữ gìn nhà ở và có trách nhiệm trong việc sửa chữa những hư hỏng do mình gây ra;
– Thanh toán tiền thuê đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận;
– Trả lại diện tích thuê cho BênCho Thuê khi hết thời hạn thuê hoặc chấm dứt Hợp đồng thuê;
– Bảo quản, giữ gìn chu đáo nhà cửa và các trang thiết bị; sửa chữa, bồi thường tương đương những hư hỏng, thiệt hại, mất mát do vi phạm hợp đồng này gây ra cho Bên Cho Thuê.
7. Cam kết của các bên;
8. Các thỏa thuận khác;
9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Như vậy, hợp đồng thuê nhà ở cũng phải đảm bảo được thành lập bằng văn bản và có đầy đủ những điều khoản quan trọng như họ tên của hai bên, thời hạn thuê nhà, số tiền thuê, quyền và nghĩa vụ của bên thuê và bên cho thuê nhà.
Tin Tức mới nhất