Kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy phép kinh doanh thì doanh nghiệp bị xử phạt như thế nào?

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật Nhà ở năm 2014

2. Luật Doanh Nghiệp năm 2020.

3. Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch.

4. Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ Karaoke, dịch vụ vũ trường.

5. Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

7. Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp, điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí

II. Khái niệm và quy định của pháp luật về Trụ sở doanh nghiệp.

Trụ sở chính là địa điểm kinh doanh được ghi trong Giấy phép đăng ký kinh doanh. Căn cứ Điều 42 luật Doanh nghiệp 2020: “Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).”

Dựa vào định nghĩa ở trên, Trụ sở chính phải đáp ứng một vài điều kiện sau:

– Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc, giao dịch của doanh nghiệp.

– Phải nằm trên lãnh thổ Việt Nam.

– Có địa chỉ xác định bao gồm số nhà, ngõ, phố hoặc thôn, xóm, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

– Trụ sở chính phải được đăng ký trên Giấy phép kinh doanh.

Căn cứ khoản 3 Điều 3 và khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở năm 2014, công ty không được phép đặt trụ sở chính tại các căn hộ thuộc nhà chung cư. Trong trường hợp đối với các khu chung cư hỗn hợp (bao gồm cả chung cư để ở và chung cư để kinh doanh), các doanh nghiệp không được phép sử dụng các căn chung cư với mục đích để ở làm trụ sở chính của doanh nghiệp.

Ngoài những quy định chung, đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác cũng có những quy định cụ thể về trụ sở chính của công ty như:

– Đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ Karaoke: Căn cứ quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP: “Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ. Không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát hoặc đặt thiết bị báo động trừ các thiết bị báo cháy nổ,…..”

– Đối với hoạt động kinh doanh khách sạn: Căn cứ điều 22 nghị định 168/2017/NĐ-CP: “Có hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch và thoát nước. Có tối thiểu 10 buồng ngủ; có quầy lễ tân, phòng vệ sinh chung. Có nơi để xe cho khách đối với khách sạn nghỉ dưỡng và khách sạn bên đường,….”

III. Không đúng trụ sở đã ghi trong giấy thành lập doanh nghiệp bị xử phạt như nào?

Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, “Hành vi kinh doanh không đúng phạm vi, đối tượng, quy mô, thời hạn, địa bàn, địa điểm hoặc mặt hàng ghi trong giấy phép kinh doanh được cấp sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000đ

Và căn cứ khoản 5 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP: “Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại khoản 1 đến khoản 4 Điều này đối với đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp, chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá, sản xuất sản phẩm thuốc lá, kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc sản phẩm thuốc lá thực hiện hành vi vi phạm hành chính

Kết hợp  đối với  quy định tại điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP): Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền quy định đối với cá nhân

Như vậy, doanh nghiệp tiến hành kinh doanh không đúng địa bàn, địa điểm ghi trong giấy phép kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 20.000.000 đồng. Còn nếu tổ chức kinh doanh với đối tượng hoạt động sản xuất rượu công nghiệp, chế biến, mua bán nguyên liệu thuốc lá, sản xuất sản phẩm thuốc lá, kinh doanh phân phối, bán buôn rượu hoặc sản phẩm thuốc lá mà tiến hành kinh doanh không đúng địa bản, địa điểm thì sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng – 40.000.000 đồng.

Ngoài hình phạt chính là phạt tiền, khi tiến hành kinh doanh không đúng địa bàn, địa điểm còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Căn cứ Khoản c Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp không gắn tên tại tại trụ sở chính, không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.