Quyền định đoạt theo Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu như thế nào?

1. Khái quát chung

Quyền định đoạt thuộc nội dung quyền sở hữu của chủ sở hữu. Cụ thể, quyền sở hữu bao gồm ba loại quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Dân sự quy định về quyền định đoạt như sau:

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản

Các hình thức định đoạt tài sản có thể kể đến như: bán, tặng cho, trao đổi, thừa kế, cho thuê, hoặc từ bỏ quyền sở hữu.

Như vậy, quyền định đoạt không chỉ là chuyển giao quyền sở hữu tài sản, mà nó còn cho phép chủ sở hữu tiêu huỷ hoặc từ bỏ quyền sở hữu khi cần, đặc biệt khi chủ sở hữu không muốn/không thể chuyển giao tài sản cho người khác.

2. Điều kiện thực hiện quyền định đoạt

Bộ luật Dân sự cũng đặt ra những điều kiện đối với việc thực hiện quyền định đoạt. Theo Điều 193 Bộ luật Dân sự, quyền định đoạt phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật. Ví dụ quyền từ bỏ quyền sở hữu cũng là một hành vi pháp lý đơn phương, do đó phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự. Do vậy, nếu một người bị bệnh tâm thần tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản thì cũng không được pháp luật công nhận do người đó không đáp ứng điều kiện chủ thể theo Điều 117. Ngoài ra, nếu pháp luật có quy định trình tự, thủ tục định đoạt tài sản thì cũng phải tuân theo trình tự, thủ tục đó.

3. Phạm vi thực hiện quyền định đoạt

Có 2 chủ thể được thực hiện quyền định đoạt, đó là chủ sở hữu và người không phải chủ sở hữu, tương ứng với phạm vi quyền định đoạt khác nhau.

Theo Điều 194 Bộ luật Dân sự, chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản. Nói cách khác, chủ sở hữu có toàn quyền quyết định về mặt vật lý và pháp lý đối với tài sản của mình.

Theo Điều 195 Bộ luật Dân sự, người không phải là chủ sở hữu tài sản chỉ có quyền định đoạt tài sản theo uỷ quyền của chủ sở hữu hoặc theo quy định của luật.

Ví dụ: Luật Đất đai quy định người có quyền sử dụng đất có thể được thực hiện một số quyền định đoạt như bán, cho thuê, để thừa kế,…

4. Hạn chế quyền định đoạt

Căn cứ Điều 196 Bộ luật Dân sự, quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định. Trong trường hợp này, chủ sở hữu không có toàn quyền quyết định đối với tài sản của mình mà pháp luật sẽ hạn chế một phần quyền đó.

Ví dụ: Khoản 4 Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng quy định: “Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ”. Như vậy, trong trường hợp này quyền định đoạt của vợ/chồng với tài sản riêng của mình sẽ bị luật hạn chế để đảm bảo đời sống chung của gia đình.

Bên cạnh đó, khi tài sản đem bán là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hoá theo quy định của Luật di sản văn hóa thì Nhà nước có quyền ưu tiên mua.

Trường hợp cá nhân, pháp nhân có quyền ưu tiên mua đối với tài sản nhất định theo quy định của pháp luật thì khi bán tài sản, chủ sở hữu phải dành quyền ưu tiên mua cho các chủ thể đó.

Ví dụ: khoản 3 Điều 218 Bộ luật Dân sự quy định trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

5. Thực hiện quyền định đoạt trong một số trường hợp cụ thể

Bộ luật Dân sự quy định cụ thể về các trường hợp thực hiện quyền định đoạt như sau:

– Đối với hợp đồng hợp tác, theo Điều 506 Bộ luật Dân sự, việc định đoạt tài sản chung của các thành viên như quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

– Đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân, theo Điều 199 Bộ luật Dân sự, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản như Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý… được thực hiện trong phạm vi và theo trình tự do pháp luật quy định.

– Đối với tài sản thuộc sở hữu riêng, theo Điều 206 Bộ luật Dân sự, việc định đoạt tài sản không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Đối với tài sản thuộc sở hữu chung của cộng đồng, theo Điều 211 Bộ luật Dân sự, các thành viên của cộng đồng cùng quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản chung theo thoả thuận hoặc theo tập quán vì lợi ích chung của cộng đồng nhưng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

– Đối với tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình, theo Điều 212 Bộ luật Dân sự, việc định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác. Còn đối với tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì cả hai có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản chung theo Điều 213 của Bộ luật.

– Đối với tài sản chung, theo Điều 218 Bộ luật Dân sự, mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.