Cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công công
Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện một đoạn clip dài hơn 1 phút, ghi lại cảnh một cô gái trẻ la hét trên xe khách, tố nam phụ xe đè và sàm sỡ mình. Trong clip, cô gái cho biết mình đã cố gắng chống trả và bị nam phụ xe làm chảy máu ở tay. Trong lúc cô gái lớn tiếng tố bị phụ xe sàm sỡ và yêu cầu dừng xe ở chỗ có Công an để trình báo thì người lái xe tỏ thái độ hời hợt, hỏi bâng quơ vài câu và trả lời “không biết Công an ở đâu”.
Sau đó, cô gái lấy điện thoại ra, gọi vào tổng đài của nhà xe thì người phụ xe giật lấy điện thoại, không cho gọi và liên tục xin lỗi, xin cô gái trẻ “tha thứ” cho mình và nói: “Từ từ giải quyết, rồi em muốn làm gì anh cũng được”. Tuy nhiên, cô gái trẻ không chấp nhận và cuối cùng đã báo vụ việc về cho nhà xe, yêu cầu xử lý nam phụ xe. Nhà xe đã xác nhận có vụ việc trên, đã sa thải nam phụ xe có hành vi sàm sỡ nữ hành khách.
Có thể nói, đây là hành vi quấy rối tình dục xảy ra ở nơi công cộng được đưa lên mạng xã hội. Vụ việc đã gây bất bình trong dư luận và đa số đều yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định. Việc nhà xe đuổi việc nam phụ xe là quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, không liên quan đến trách nhiệm hành chính, cũng như thiệt hại về danh sự, nhân phẩm của nạn nhân.
Nam phụ xe có hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng là biểu hiện coi thường pháp luật, trực tiếp xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác cần phải được xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm. Do đó, Công an khi tiếp nhận thông tin về hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng thông qua bất cứ hình thức nào (có thể do báo chí phản ánh, thông qua mạng xã hội hoặc do người dân cung cấp thông tin,…) thì phải lập ngay hồ sơ và mời các bên có liên quan đến làm việc để có cơ sở xử lý vụ việc; tuyệt đối không vì lý do chưa nhận đơn trình báo của người bị hại mà kéo dài việc xử lý hoặc để vụ việc “chìm xuồng”.
Không chỉ xử lý người có hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng theo đúng quy định của pháp luật, mà thậm chí còn phải “bêu tên” ở nơi cư trú và trên phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục và ngăn ngừa hành vi vi phạm. Đồng thời, đối với một số đối tượng có hành vi quấy rối tình dục ở nơi công cộng là do bệnh lý thì phải áp dụng biện pháp chữa bệnh bắt buộc.
Về lâu dài cần phải nghiên cứu, bổ sung thêm chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục nơi công công đó là chịu sự quản thúc, giám sát của chính quyền địa phương, nhất phải báo cáo chính quyền địa phương khi đi khỏi nơi cư trú.
Tại điểm đ, e khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục; khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng”. Ngoài ra, đối với hành vi quấy rối tình dục còn chịu biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc xin lỗi công khai trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu”.
Tuy nhiên hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được Bộ luật Hình sự quy định cụ thể. Nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác, thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Do đó, để ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng, cần thiết phải bổ sung yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Làm nhục người khác” như: Đối tượng có hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng đã bị xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai trở lên là đủ điều kiện xử lý tội “Làm nhục người khác”.
Theo: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam
Tin Tức mới nhất