Các điều khoản trong Hợp đồng cho thuê lại đất

Căn cứ Khoản 2 Điều 46 Luật kinh doanh bất động sản 2023 quy định Hợp đồng cho thuê lại đất bao gồm những điều khoản sau đây:
1. Tên, địa chỉ của các bên
2. Các thông tin về loại đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng thửa đất, tài sản gắn liền với đất (nếu có)
Bên cho thuê lại đất cần cung cấp và ghi rõ các thông tin chi tiết về loại đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng thửa đất, tài sản gắn liền với đất.
Đồng thời, khi soạn thảo Hợp đồng thì các Bên có thể đính kèm bản đồ hoặc hình ảnh thửa đất vào Phần phụ lục của Hợp đồng để tránh nhầm lẫn về ranh giới, diện tích đất và tránh các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng đất, bao gồm các yếu tố như tranh chấp về quyền sử dụng đất.
3. Thời hạn sử dụng đất; giá cho thuê lại quyền sử dụng đất, bao gồm tài sản gắn liền với đất (nếu có)
Điều khoản này do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, đối với đất được Nhà nước cho thuê cần lưu ý thời hạn cho thuê lại đất không được vượt quá thời gian mà Nhà nước cho thuê đất.
4. Phương thức và thời hạn thanh toán
Phương thức và thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận. Phương thức thanh toán có thể bằng tiền mặt hoặc thông qua chuyển khoản ngân hàng.
Nếu sử dụng phương thức chuyển khoản ngân hàng thì trong điều khoản cần ghi đầy đủ thông tin tài khoản ngân hàng của Bên cho thuê để Bên thuê có thể thực hiện thanh toán đúng cách.
5. Thời hạn bàn giao đất và hồ sơ kèm theo
Các bên tự thỏa thuận về thời hạn bàn giao đất, điều kiện, thủ tục bàn giao đất, giấy tờ kèm theo của quyền sử dụng đất thuê.
6. Quyền, nghĩa vụ của các bên
Thông thường quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ bao gồm:
6.1. Quyền và nghĩa vụ của Bên cho thuê
a. Quyền của Bên cho thuê
- Yêu cầu bên thuê lại khai thác, sử dụng đất theo đúng mục đích, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự án đầu tư và thỏa thuận trong Hợp đồng;
- Yêu cầu bên thuê thanh toán tiền thuê theo thời hạn và phương thức thỏa thuận trong Hợp đồng;
- Yêu cầu bên thuê chấm dứt ngay việc sử dụng đất không đúng mục đích, hủy hoại đất hoặc làm giảm sút giá trị sử dụng của đất;
- Nếu bên thuê lại không chấm dứt ngay hành vi vi phạm thì bên cho thuê lại có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng, yêu cầu bên thuê lại trả lại đất đang thuê và bồi thường thiệt hại;
- Yêu cầu bên thuê lại giao lại đất khi hết thời hạn thuê theo Hợp đồng;
- Yêu cầu bên thuê lại bồi thường thiệt hại do lỗi của bên thuê lại gây ra.
- Các quyền khác theo thoả thuận của hai bên mà không trái với quy định của pháp luật.
b. Nghĩa vụ của Bên cho thuê
- Bên cho thuê lại có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về quyền sử dụng đất và chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp;
- Chuyển giao đất cho bên thuê đủ diện tích, đúng vị trí và tình trạng đất theo thỏa thuận trong Hợp đồng;
- Đăng ký việc cho thuê quyền sử dụng đất;
- Kiểm tra, nhắc nhở bên thuê bảo vệ, giữ gìn đất và sử dụng đất đúng mục đích;
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Thông báo cho bên thuê về quyền của người thứ ba đối với đất thuê;
- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
- Các nghĩa vụ khác trong Hợp đồng.
6.2. Quyền và nghĩa vụ của Bên thuê lại
a. Quyền của Bên thuê lại
- Bên thuê lại có quyền yêu cầu bên cho thuê cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực về quyền sử dụng đất được cho thuê;
- Yêu cầu bên cho thuê chuyển giao đất đúng diện tích, đúng vị trí và tình trạng đất theo thỏa thuận trong Hợp đồng;
- Được sử dụng đất thuê theo thời hạn trong Hợp đồng;
- Khai thác, sử dụng đất thuê và hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất thuê; Yêu cầu bên cho thuê bồi thường thiệt hại do lỗi của bên cho thuê gây ra;
- Các quyền khác trong Hợp đồng.
b. Nghĩa vụ của Bên thuê lại
- Bên thuê lại có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng thời hạn cho thuê;
- Không được hủy hoại đất;
- Thanh toán đủ tiền thuê quyền sử dụng đất theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong Hợp đồng;
- Tuân theo quy định về bảo vệ môi trường;
- Không được làm tổn hại đến quyền, lợi ích Hợp pháp của người sử dụng đất xung quanh.;
- Trả lại đất đúng thời hạn và tình trạng đất theo thỏa thuận trong Hợp đồng;
- Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
- Các nghĩa vụ khác trong Hợp đồng.
7. Quyền của bên thứ ba đối với thửa đất (nếu có)
8. Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng
Trách nhiệm do vi phạm Hợp đồng là việc một trong hai bên không thực hiện đúng những gì đã thỏa thuận trong Hợp đồng. Đây là điều khoản nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia Hợp đồng. Trách nhiệm này bao gồm: Bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm, buộc thực hiện Hợp đồng, chấm dứt Hợp đồng,…
9. Phạt vi phạm Hợp đồng
Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong Hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường Hợp luật liên quan có quy định khác.
10. Giải quyết hậu quả khi Hợp đồng hết hạn khi cho thuê lại quyền sử dụng đất
Các bên ký kết Hợp đồng thỏa thuận với nhau về việc giải quyết hậu quả khi Hợp đồng hết hạn. Các bên có thể gia hạn Hợp đồng, trả lại quyền sử dụng đất, hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các bên phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính đầy đủ và hoàn trả lại tình trạng như ban đầu.
11. Các trường Hợp chấm dứt, hủy bỏ Hợp đồng và biện pháp xử lý
a. Hợp đồng chấm dứt trong những trường Hợp sau đây:
- Hợp đồng đã được hoàn thành;
- Theo thỏa thuận của các bên;
- Cá nhân giao kết Hợp đồng chết, pháp nhân giao kết Hợp đồng chấm dứt tồn tại mà Hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
- Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;
- Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của Hợp đồng không còn;
- Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật dân sự
b. Hợp đồng bị hủy bỏ trong các trường Hợp sau đây:
- Bên kia vi phạm Hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thỏa thuận;
- Bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ Hợp đồng;
- Hủy bỏ Hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ.
12. Phương thức giải quyết tranh chấp
Các bên có trách nhiệm thỏa thuận cụ thể cách thức, hình thức giải quyết tranh chấp về các nội dung của Hợp đồng khi có tranh chấp phát sinh và lựa chọn Toà án để giải quyết theo quy định pháp luật khi hai bên không tự thương lượng giải quyết được.
13. Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng
Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng có thể là lúc ký kết Hợp đồng hoặc vào thời điểm do hai bên thỏa thuận.
Tin Tức mới nhất