Các điều khoản trong Hợp đồng lao động

Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động 2019 thì một Hợp đồng lao động cần bao gồm các điều khoản sau đây:

1. Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

2. Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

3. Công việc và địa điểm làm việc;

a. Công việc: Mô tả chi tiết về công việc mà người lao động sẽ thực hiện, bao gồm các nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm và yêu cầu công việc. Điều này giúp người lao động hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công ty.

b. Địa điểm làm việc: Xác định rõ địa điểm, phạm vi làm việc của người lao động. Trường hợp người lao động làm việc có tính chất thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi đầy đủ các địa điểm đó. Địa điểm làm việc rõ ràng giúp người lao động biết nơi họ sẽ làm việc và có kế hoạch di chuyển hợp lý.

4. Thời hạn của hợp đồng: 

Thời hạn của Hợp đồng là: 

a. Thời gian thực hiện hợp đồng lao động (số tháng hoặc số ngày)

b. Đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn là thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện hợp đồng lao động.

c. Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn là thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng lao động.

5. Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

a. Mức lương theo công việc hoặc chức danh: ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng; đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán;

b. Phụ cấp: Các khoản phụ cấp ngoài lương cơ bản mà người lao động được hưởng như: phụ cấp đi lại, điện thoại, ăn trưa, phụ cấp công việc nặng nhọc, nguy hiểm,… theo thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.

c. Hình thức và kỳ hạn trả lương theo thoả thuận của hai bên, trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.

6. Chế độ nâng bậc, nâng lương: 

Theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.

7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

a. Thời giờ làm việc: Quy định số giờ làm việc hàng ngày, hàng tuần, thời gian bắt đầu và kết thúc ca làm việc. Cần đảm bảo tuân thủ Điều 105, 106, 107, 108 Bộ luật Lao động 2019 về thời giờ làm việc bình thường, bao gồm cả thời gian làm thêm giờ.

b. Thời giờ nghỉ ngơi: Quy định các khoảng thời gian nghỉ ngơi trong ngày làm việc, nghỉ giữa ca, nghỉ phép hàng năm, nghỉ lễ, Tết, nghỉ việc riêng. Đảm bảo người lao động có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để hồi phục sức khỏe.

8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động:

Quy định về việc trang bị bảo hộ lao động cho người lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bao gồm quần áo, giày bảo hộ, mũ bảo hiểm, các thiết bị bảo vệ cá nhân khác,….

9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp:

Tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định của pháp luật. Các khoản đóng bảo hiểm này phải được chi tiết hóa về mức đóng, phương thức đóng và trách nhiệm của các bên.

10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề:

Xác định quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề đào tạo cho người lao động. Các chương trình đào tạo này có thể do công ty tổ chức hoặc hỗ trợ người lao động tham gia các khóa học bên ngoài.

11. Quyền và nghĩa vụ của người lao động:

a. Quyền của người lao động: Bao gồm các quyền lợi mà người lao động được hưởng như lương thưởng, chế độ nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm, phúc lợi xã hội khác. Quyền lợi này cần được ghi rõ ràng để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình.

b. Nghĩa vụ của người lao động: Quy định các nghĩa vụ mà người lao động phải tuân thủ trong quá trình làm việc, bao gồm việc tuân thủ nội quy lao động, quy định về an toàn, bảo mật thông tin, đạo đức nghề nghiệp, và các quy định khác của công ty.

12. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động:

a. Quyền của người sử dụng lao động: người lao động được quyền tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động và các quyền khác theo quy định pháp luật.

b. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động là: thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động; Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động; Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động;