Các điều khoản trong Hợp đồng mua bán hàng hóa

I. Căn cứ pháp lý:

1. Luật Thương mại năm 2005;

2. Bộ luật Dân sự năm 2015.

II. Khái niệm về Hợp đồng mua bán hàng hoá

Theo quy định tại Điều 430 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán.

Khoản 8 Điều 3 Luật Thương mại 2005 quy định: Mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận”.

Pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng về bản chất thì hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại là một dạng hình thức cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản. Kết hợp định nghĩa chung về hợp đồng mua bán tài sản và khái niệm về hoạt động mua bán hàng hóa, ta có thể rút ra kết luận sau: 

Hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bản có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”.

III. Các điều khoản cần có trong Hợp đồng mua bán hàng hoá

1. Thông tin về các bên

– Bên bán: Tên công ty, địa chỉ, mã số thuế, đại diện theo pháp luật, thông tin liên hệ.

– Bên mua: Tương tự như bên bán, bao gồm đầy đủ các thông tin pháp lý của bên mua.

2. Đối tượng của hợp đồng

– Mô tả chi tiết về hàng hóa mua bán: tên hàng, số lượng, chất lượng, chủng loại, quy cách, ký hiệu, nhãn hiệu…

– Đối với những hàng hóa đặc thù, cần kèm theo mẫu mã, hình ảnh hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật.

3. Giá cả và phương thức thanh toán

– Giá trị hợp đồng: Giá của hàng hóa được quy định là giá đã bao gồm hay chưa bao gồm thuế (VAT).

– Phương thức thanh toán: Tiền mặt, chuyển khoản ngân hàng, tín dụng, kỳ hạn thanh toán…

– Thời hạn thanh toán: Quy định rõ thời điểm thanh toán (ví dụ: trước khi giao hàng, sau khi giao hàng 30 ngày).

4. Điều kiện và phương thức giao nhận hàng hóa

– Địa điểm giao hàng: Giao tại kho của bên bán, kho của bên mua, hay tại một địa điểm khác.

– Phương tiện và cách thức vận chuyển: Do bên bán hay bên mua chịu trách nhiệm, điều kiện vận chuyển (FOB, CIF, DDP…).

– Thời gian giao hàng: Quy định ngày hoặc khoảng thời gian cụ thể.

– Trách nhiệm trong quá trình giao nhận: Phân định rủi ro và chi phí khi vận chuyển.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên

Quyền và nghĩa vụ của bên bán:

– Đảm bảo chất lượng, số lượng và chủng loại hàng hóa đúng với hợp đồng.

– Giao hàng đúng thời gian và địa điểm thỏa thuận.

– Cung cấp các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, bảo hành (nếu có).

Quyền và nghĩa vụ của bên mua:

– Thanh toán đúng hạn và đầy đủ theo điều kiện của hợp đồng.

– Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hàng và thông báo nếu có vấn đề.

6. Chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa

– Quy định rõ chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn sản xuất (nếu có), thời hạn sử dụng, điều kiện bảo quản.

– Nếu có yêu cầu cụ thể về chất lượng, cần quy định chi tiết.

7. Bảo hành và bảo trì

– Quy định về thời gian bảo hành, điều kiện bảo hành, phương thức bảo hành.

– Trách nhiệm của bên bán khi hàng hóa có lỗi, sự cố trong thời gian bảo hành.

8. Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại

– Quy định các mức phạt vi phạm hợp đồng (như giao hàng chậm, hàng không đạt tiêu chuẩn, không thanh toán đúng hạn).

– Cách tính và mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra.

9. Chấm dứt hợp đồng

– Quy định các trường hợp hợp đồng được chấm dứt trước thời hạn.

– Quyền và nghĩa vụ của các bên khi hợp đồng bị chấm dứt.

10. Giải quyết tranh chấp

– Cách thức giải quyết tranh chấp: thương lượng, hòa giải, hoặc đưa ra trọng tài thương mại, tòa án.

– Quy định rõ cơ quan, tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

11. Điều khoản bất khả kháng

– Quy định về các trường hợp bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, lệnh cấm của chính phủ…) làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng và cách xử lý.

12. Hiệu lực của hợp đồng

– Thời điểm hợp đồng có hiệu lực, thời hạn hợp đồng.

– Điều kiện sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn hợp đồng.

13. Các phụ lục kèm theo (nếu có)

Các bảng biểu về hàng hóa, bản vẽ kỹ thuật, hình ảnh minh họa, các điều khoản chi tiết về bảo hành hoặc các tài liệu liên quan khác.

IV. Những lưu ý khi soạn thảo Hợp đồng mua bán

1. Rõ ràng và chi tiết: Mọi điều khoản cần được viết rõ ràng, không để dư thừa hay mơ hồ, tránh gây hiểu lầm giữa các bên.

2. Tuân thủ pháp luật: Hợp đồng phải tuân thủ các quy định của Luật Thương mại 2005 và các luật liên quan khác tại Việt Nam.

3. Tham khảo ý kiến pháp lý: Trước khi ký kết, nên tham khảo ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để đảm bảo hợp đồng bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho doanh nghiệp.

4. Sự đồng thuận của các bên: Đảm bảo mọi điều khoản đều được hai bên thỏa thuận và đồng ý trước khi ký kết.