Các thủ tục hậu kiểm sau khi thành lập doanh nghiệp
Các thủ tục hậu kiểm sau khi thành lập doanh nghiệp
I. Căn cứ pháp lý
- Luật doanh nghiệp năm 2020;
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị định 122/2021/NĐ-CP về về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
- Thông tư liên tịch số 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTC-BNV;
II. Nội dung
1. Định nghĩa
Hiện nay trong luật không có định nghĩa thế nào là “Hậu kiểm”.
Hậu kiểm có thể được hiểu “Là hoạt động của nhà nước trong việc giám sát kiểm tra về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được đăng ký, nhằm bảo đảm việc kinh doanh tuân thủ theo pháp luật”.
2. Trách nhiệm, quyền hạn
Trong luật từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 cho tới bây giờ, không có khái niệm về hậu kiểm. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo cách hiểu như trên thì có thể thấy, công tác hậu kiểm sẽ do Cơ đăng ký kinh doanh thực hiện. Vai trò của cơ quan này xuyên suốt từ Luật Doanh nghiệp 1999 cho tới Luật Doanh nghiệp 2020.
Và cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ chịu trách nhiệm của tính hợp lệ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, còn những vi phạm của doanh nghiệp xảy ra trước và sau khi đăng ký doanh nghiệp, cơ quan đăng ký sẽ không chịu trách nhiệm, căn cứ theo điểm G, khoản 1 điều 216 Luật Doanh nghiệp 2020.
Trách nhiệm, quyền hạn của Phòng đăng ký kinh doanh được quy định tại điều 15 nghị định 01/2021/NĐ-CP:
Cụ thể như sau:
- Phòng đăng ký kinh doanh trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; cấp hoặc từ chối cấp đăng ký doanh nghiệp
- Hướng dẫn doanh nghiệp và người thành lập doanh nghiệp về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; hướng dẫn Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh.
- Phối hợp xây dựng, quản lý, vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; thực hiện việc chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật dữ liệu đăng ký doanh nghiệp tại địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp lưu giữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong phạm vi địa phương quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan quản lý thuế tại địa phương và theo yêu cầu của Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan có liên quan và các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp.
- Trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
- Kiểm tra, giám sát Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký hộ kinh doanh.
- Yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Nghị định này
- Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện theo quy định pháp luật.
- Đăng ký kinh doanh cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
3. Các thủ tục hậu kiểm sau khi thành lập doanh nghiệp
Qua quy định trên có thể thấy, thủ tục hậu kiểm sau khi thành lập doanh nghiệp của phòng đăng ký kinh doanh có những việc sau:
- Doanh nghiệp phải nộp báo cáo về việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo quy định tại điểm C khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp trong trường hợp được phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu.
Có thể thấy, luật doanh nghiệp không quy định chi tiết những gì mà doanh nghiệp phải báo cáo cho phòng đăng ký kinh doanh, mà chỉ quy định chung chung là “Tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp theo quy định tại điểm C khoản 1 Điều 216.”
Tuy nhiên, điểm C khoản 1 Điều 216 Luật Doanh nghiệp thì cũng chỉ quy định là “Yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật này khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp.
Do đó có thể hiểu, phạm vi báo cáo mà phòng đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp phải nộp sẽ không giới hạn bất cứ nội dung nào mà Luật Doanh nghiệp yêu cầu, bao gồm những nội dung được khai báo trong hồ sơ đăng ký kinh doanh như tình hình góp vốn, tình trạng cổ đông cho tới khai báo về thuế, tình hình doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh hay thực hiện thủ tục phá sản.
Mẫu thông báo của phòng đăng ký kinh doanh sẽ theo quy định tại tiểu mục 58 Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT.
Luật không quy định riêng về mẫu báo cáo mà doanh nghiệp phải tuân thủ, do đó cũng có thể nộp cho phòng đăng ký kinh doanh với mẫu theo quy định riêng của doanh nghiệp.
Địa điểm nộp sẽ là phòng đăng ký kinh doanh, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
Thời hạn cho doanh nghiệp hồi đáp là không quá 60 ngày. Trong trường hợp không thực hiện đúng thì sẽ bị phòng đăng ký kinh doanh phạt vi phạm theo khoản 1 điều 48 Nghị định 122/2021/NĐ-CP và áp dụng biện pháp khắc phục theo khoản 3 điều 48 trong cùng nghị định trên.
Trong thời hạn 6 tháng, doanh nghiệp có thể bị thu hồi giấy phép kinh doanh theo điểm D khoản 1 điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020
- Cơ quan đăng ký kinh doanh trực tiếp hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo nội dung trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Quy chế của việc phối hợp mẫu giữa các cơ quan chức năng được quy định tại thông tư liên tịch 04/2015/TTLT-BKHĐT-BTYC-BNV. Quy chế này sẽ được từng địa phương áp dụng và đưa ra quy chế riêng cho từng địa phương.
Các nội dung phối hợp kiểm tra, giám sát có thể bao gồm:
- Thông tin đăng ký doanh nghiệp
- Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp
- Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
- Hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp
Tin Tức mới nhất