Các trường hợp phải xin giấy phép quảng cáo

Giấy phép quảng cáo là một loại giấy xác nhận được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp/cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo, trong đó xác nhận sự hợp pháp về nội dung và hình thức của quảng cáo đó. Tuy nhiên, không phải bất kỳ hoạt động quảng cáo nào cũng cần xin giấy phép. Bài viết dưới đây sẽ trình bày về những trường hợp doanh nghiệp phải xin giấy phép khi thực hiện hoạt động quảng cáo.

I. Căn cứ pháp lý

1. Luật Quảng cáo 2012

2. Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo

3. Thông tư 09/2015/TT-BYT quy định về xác định nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế

4. Nghị định 123/2018/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định về đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp

II. Các trường hợp cần xin giấy phép quảng cáo

1. Quảng cáo cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt 

Theo Khoản 4 Điều 20 Luật Quảng cáo 2012, việc quảng cáo cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt cần đáp ứng các điều kiện sau:

– Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt. 

– Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế. 

– Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp. 

– Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không thuộc quy định tại khoản 4 Điều 7 của Luật này phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành. 

– Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn. 

– Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật.

– Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu. 

– Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp. 

– Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm.

– Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm. 

(Cụ thể về điều kiện đối với nội dung quảng cáo của từng hàng hoá, sản phẩm, dịch vụ đặc biệt nêu trên được quy định từ Điều 3 đến Điều 11 của Nghị định 181/2013/NĐ-CP)

Theo Điều 5 Nghị định 123/2018/NĐ-CP, việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định trên đây (trừ quảng cáo thức ăn chăn nuôi) chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Do đó, chỉ sau khi xin được giấy phép quảng cáo tương ứng, cá nhân, tổ chức mới có thể thực hiện quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ đặc biệt đó.

Ngoài ra, quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế còn được hướng dẫn bởi Thông tư 09/2015/NĐ-CP của Bộ Y tế.

2. Quảng cáo trên báo nói, báo hình 

Tại Khoản 6 Điều 22 Luật Quảng cáo 2012, trường hợp cơ quan báo nói, báo hình có nhu cầu ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo phải xin giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.

3. Xây dựng công trình quảng cáo 

Theo Khoản 2 Điều 31 Luật Quảng cáo 2012, việc xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời, biển hiệu, bảng quảng cáo độc lập hoặc gắn vào công trình xây dựng có sẵn phải xin giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền về xây dựng của địa phương trong những trường hợp sau đây:

a) Xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt từ 20 mét vuông (m2) trở lên;

b) Xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo có diện tích một mặt trên 20 mét vuông (m2) kết cấu khung kim loại hoặc vật liệu xây dựng tương tự gắn vào công trình xây dựng có sẵn;

c) Bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 mét vuông (m­2) trở lên

Vậy nếu việc quảng cáo rơi vào ba trường hợp nói trên, doanh nghiệp cần xin giấy phép từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện hoạt động quảng cáo.

III. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép quảng cáo

Quy trình xin giấy phép đối với mỗi trường hợp nêu trên sẽ có điểm khác nhau về hồ sơ cũng như cơ quan tiếp nhận. Tuy nhiên nhìn chung, quy trình xin giấy phép quảng cáo sẽ bao gồm những bước sau:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ quảng cáo theo quy định

Bước 2: Doanh nghiệp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền thẩm định hồ sơ quảng cáo

Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền cấp văn bản xác nhận nội dung quảng cáo 

Theo Luật Quảng cáo, thời gian cấp giấy phép quảng cáo kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ:

– 10 ngày làm việc đối với quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đặc biệt;

– 30 ngày đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình;

– 15 ngày đối với xây dựng công trình quảng cáo.

Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Bước 5: Doanh nghiệp tiến hành quảng cáo theo đúng nội dung đã được xác nhận.