Chứng minh về việc góp vốn khi mới thành lập

I. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp 2020

II. Nội dung

Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày (cần góp đúng thời hạn và đủ số lượng cam kết đối với thành viên hợp danh/góp vốn của Công ty hợp danh) kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết…” và tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.

(Căn cứ khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 đối với Công ty cổ phần; Khoản 2 Điều 75; Khoản 2 Điều 47 đối với Công ty TNHH; Khoản 2 Điều 178, Điều 186 đối với Công ty hợp danh)

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, thì doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng số vốn đã góp.

Luật Doanh nghiệp hiện hành không quy định về việc phải chứng minh việc góp vốn, chỉ quy định thời hạn phải góp đủ. Trên thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Cơ quan thuế cũng không kiểm tra tiến độ góp vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên doanh nghiệp cần phải góp đủ số vốn đã đăng ký trong thời hạn quy định để tránh những trường hợp rủi ro liên quan tới vốn, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ mình đăng ký khi xảy ra các vấn đề liên quan đến giải thể, phá sản thì cần đảm bảo nghĩa vụ với người lao động, đối tác, chủ nợ… Việc doanh nghiệp lựa chọn một mức vốn điều lệ hợp lý, thành viên góp vốn góp đủ, đúng thời hạn sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, thủ tục liên quan đến vốn góp, tránh trường hợp phải thực hiện việc đăng ký giảm vốn, phạt vi phạm trong trường hợp không đăng ký giảm vốn đúng thời hạn.

Mặt khác, đối với ngành, nghề đăng ký mà theo quy định pháp luật có yêu cầu về mức vốn pháp định (vốn tối thiểu) để được phép kinh doanh; chủ sở hữu công ty phải chứng minh được số vốn điều lệ không thấp hơn số vốn pháp định khi thực hiện thủ tục xin cấp phép kinh doanh ngành, nghề đó.

Vì vậy, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh về việc góp vốn trong trường hợp kinh doanh ngành nghề có điều kiện: yêu cầu vốn pháp định khi thực hiện thủ tục xin giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, vốn điều lệ sẽ do doanh nghiệp tự đăng ký và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. Song, doanh nghiệp cũng cần chú ý về những hồ sơ lưu nội bộ về việc góp vốn để đảm bảo về quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên góp vốn/cổ đông.

Hồ sơ thường bao gồm những tài liệu sau:

  1. Điều lệ công ty;
  2. Biên lai thu tiền, chứng từ của tài sản đã được góp vốn, chứng từ về việc chuyển tiền thông qua ngân hàng;
  3. Sổ đăng ký của cổ đông/thành viên, nội dung trong tài liệu này cần phải ghi rõ về tỉ lệ của mức vốn được góp/số cổ phần/những loại tài sản đã được góp vốn;
  4. Giấy chứng nhận phần vốn góp.