Công an phường có được tạm giữ người phạm tội quả tang hay không?

1. Phạm tội quả tang

Người đang thực hiện tội phạm là người đang thực hiện hành vi mà hành vi đó cấu thành một tội phạm cụ thể nhưng chưa hoàn thành tội phạm thì bị phát hiện.

Ngay sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện là trường hợp mà sau khi thực hiện hành vi phạm tội xong, người phạm tội chưa kịp cất giấu công cụ, phương tiện, tẩu tán tang vật thì bị phát hiện.

Đang bị đuổi bắt là trường hợp người phạm tội đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì bị phát hiện nên người đó đã chạy trốn và bị đuổi bắt. Việc đuổi bắt phải liền ngay sau khi người đó chạy trốn.

Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đối với các trường hợp bắt quả tang thì không cần có lệnh bắt mà bất kì người nào cũng có quyền bắt và giải ngay đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Khi bắt quả tang thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt nhưng không được khám người.

2. Tạm giữ người

Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang để cách ly họ với xã hội trong một thời gian cần thiết nhằm ngăn chặn người đó tiếp tục phạm tội, cản trở điều tra và xác định sự liên quan của người này đối với tội phạm.

3. Quy định pháp luật

Căn cứ theo khoản 3 Điều 111 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt giữ người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an phường có trách nhiệm gì trong hoạt động điều tra hình sự, thì theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự 2021 như sau:

Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an

1. Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

2. Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Những việc cần làm sau khi bắt giữ người phạm tội quả tang tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau :

Điều 114. Những việc cần làm ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt

1. Sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

2. Sau khi lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.

Trường hợp cơ quan đã ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì sau khi lấy lời khai, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải ra ngay quyết định tạm giữ và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy nã biết; nếu đã hết thời hạn tạm giữ mà cơ quan ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt gia hạn tạm giữ và gửi ngay quyết định gia hạn tạm giữ kèm theo tài liệu liên quan cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn.

Trường hợp không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan đã ra quyết định truy nã có thẩm quyền bắt để tạm giam phải ra ngay lệnh tạm giam và gửi lệnh tạm giam đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn cho Cơ quan điều tra nhận người bị bắt. Sau khi nhận được lệnh tạm giam, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải giải ngay người đó đến Trại tạm giam nơi gần nhất.

3. Trường hợp người bị bắt có nhiều quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt chuyển giao người bị bắt cho cơ quan đã ra quyết định truy nã nơi gần nhất.

Như vậy, sau khi bắt giữ người trong trường hợp phạm tội quả tang công an phường có quyền được tạm giữ người trong quá trình tiếp nhận tội phạm, lấy lời khai và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.