Dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”

I. ĐỊNH NGHĨA

1. Sản xuất hàng giả

Là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.

2. Buôn bán hàng giả

Là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.

3. Hàng giả

Hàng giả bao gồm:

Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

II. PHÂN TÍCH

1. Mặt chủ quan của tội phạm

Lỗi của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lỗi cố ý trực tiếp

2. Mặt khách quan của tội phạm

a. Về mặt hành vi: 

Tội sản xuất hàng giả: Là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa.

Tội buôn bán hàng giả: là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa vào lưu thông.

b. Về đối tượng hàng giả 

(Theo Khoản 7, 8 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP)

Hàng hóa giả mạo về chất lượng:

Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ:

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; 

Giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc 

Giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; 

Giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

Đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc 

Vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; 

Giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác.

c. Về hậu quả

Hậu quả không phải yếu tố bắt buộc đối với tội này, tuy nhiên hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có thể gây thiệt hại về tài sản hoặc về tính mạng, sức khỏe.

3. Chủ thể của tội phạm

Là cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 75 BLHS.

4. Khách thể của tội phạm

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm các quy định của nhà nước về quản lý thị trường, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

III. CÁC BẢN ÁN

1. Hàng hóa giả mạo về chất lượng

Tại Kết luận giám định số 00131/N2.20/TĐ ngày 25/12/2020 của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng III kết quả như sau:

1/ Tổng thể tích chất lỏng chứa tại 24 bồn là 81.226 lít gồm:

– 15.790 lít xăng có chất lượng phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95.

– 40.991 lít chất lỏng có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95.

– 5.027 lít xăng có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng không chì RON 95.

– 11.340 lít hóa chất hữu cơ T9; công dụng: chủ yếu sử dụng làm dung môi trong công nghiệp, có thể dùng làm chất cải thiện chỉ số Octane của xăng.

– 3.005 lít chất Methyl tert – Butyl ether (MTBE); công dụng: làm phụ gia cải thiện chỉ số Octane của xăng hoặc làm dung môi.

– 5.073 lít hỗn hợp chất MBTE và T4. Như vậy, tổng khối lượng xăng giả là 40.991 lít + 5.027 lít = 46.018 lít.

2. Hàng hóa giả mạo về tem, nhãn, bao bì hàng hóa

Phạm Ngọc C bắt đầu kinh doanh mỹ phẩm online từ 10/2021. Khoảng đầu tháng 12/2021, C sử dụng tài khoản facebook “N Susi” để đăng bán sản phẩm kem dưỡng trắng da toàn thân B của Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất nhập khẩu M, có trụ sở chính tại số 58/12, đường TTN06, Phường N, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn hàng do C mua của người nữ không rõ họ tên, địa chỉ có tài khoản facebook “Diem Vo” với giá dao động từ 156.000 đồng – 158.000 đồng/1 hộp. Ngày 12/12/2021, Nguyễn Thị Mỹ C, ngụ số 223, Khu phố X, Phường X, thành phố T, tỉnh Tiền Giang và Lê Nguyễn Mộng T, ngụ ấp A, xã TB, huyện L, tỉnh Tiền Giang liên hệ với C để mua sản phẩm B. Khi được T, C2 liên hệ đặt mua hàng và ngỏ ý nếu sản phẩm chất lượng sẽ mua số lượng nhiều nên C nảy sinh ý định làm giả sản phẩm B của Công ty M để bán cho C2 và T với giá 139.000 đồng/một hộp nhằm thu lợi mặc dù bản thân C không có chứng chỉ về sản xuất mỹ phẩm cũng như không được Công ty M ủy quyền hoặc cho phép làm, sản xuất sản phẩm của công ty. Ban đầu, để tạo lòng tin với C2, T thì C giao hàng thật, hàng chính hãng của công ty. Sau đó, C lên mạng đặt mua nguyên vật liệu, dụng cụ để sản xuất hàng giả gồm:

– 1000 hũ nhựa có in thông tin, nhãn hiệu sản phẩm B của của Nguyễn Thị Bé N với giá 9.000.000 đồng.

– 1000 hộp giấy có in thông tin, nhãn hiệu sản phẩm B; 1000 tem vỡ, 1000 tem bảy màu của Nguyễn Thanh Q với giá là 6.150.000 đồng.

– 60 kg kem trộn của Võ Thị Mỹ C2 với giá 5.625.000 đồng.

– 2,5 kg màng co của Nguyễn Kim T với giá 182.500 đồng.

– 01 máy sấy (co) của Châu Thái T với giá 165.000 đồng.

Sau khi mua các nguyên vật liệu, dụng cụ; trong ngày 22/12/2021, C cùng chồng là Bùi Linh V làm tổng cộng 420 hộp kem dưỡng trắng da toàn thân B giả tại nhà trọ Số 1000/13, V, Tổ 54, Khóm X, Phường X, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp bằng phương pháp thủ công qua các công đoạn sau: lấy kem rót vào hủ nhựa, dán tem vỡ lên hủ, để hủ kem vào hộp giấy, dán tem bảy màu lên hộp giấy, dùng máy sấy co màng co bao bọc quanh hộp. Sau khi hoàn thành sản phẩm, V đóng gói kiện hàng chở đến trạm xe T, địa chỉ: Số 92, đường X, phường 2, thành phố C, tỉnh Đồng Tháp để gửi cho C2 290 hộp, T 100 hộp kem trắng da B giả như đã thỏa thuận mua bán với C2, T. Tiền mua kem thì C2 và T đã thanh toán cho C qua số tài khoản 0700985406XX(Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Sacombank Bank) và số tài khoản 888980167683XX (Ngân hàng TMCP hàng hải Việt Nam – MSB) của Bùi Linh V. Số tiền do bán kem giả mà có (C2 290 hộp với giá 30.310.000 đồng, T 100 hộp với giá 13.900.000 đồng) C, V tiêu xài cá nhân hết. C2, T sau khi nhận hàng thông qua chành xe T (số 92, đường N, Phường X, thành phố T, tỉnh Tiền Giang), phát hiện là hàng giả đã trình báo Công an thành phố T.