ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 50/2024/NĐ-CP

Thời gian ngắn gần đây, hàng loạt vụ cháy, nổ xảy ra gây không ít mất mát về tài sản, thậm chí thiệt hại nặng nề và thương tâm đối với sức khỏe, tính mạng con người.
Trong đó, cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ là loại hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng chưa thực sự được quan tâm quản lý đúng mức.
Từ ngày 15/5/2024, cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ đã được bổ sung vào danh mục cơ sở thuộc diện áp dụng quản lý về PCCC (phòng cháy chữa cháy).
Danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy có một số điểm mới so với quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
– Bỏ thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp;
– Quy định chi tiết diện tích của cơ sở kinh doanh dịch vụ, ăn uống, cụ thể: có tổng diện tích kinh doanh từ 100m2 trở lên hoặc có tổng khối tích từ 500 m3 trở lên; cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ có tổng diện tích kinh doanh từ 50m2 trở lên hoặc có tổng khối tích các khối nhà phục vụ kinh doanh từ 200 m3 trở lên. (Thay vì “cửa hàng bách hóa; cửa hàng tiện ích; nhà hàng, cửa hàng ăn uống” thuộc danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP )
– Bổ sung cơ sở kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ;
– Quy định “nhà sử dụng làm trụ sở văn phòng làm việc của doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội” thay vì “nhà làm việc của các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội”;
– Quy định “nhà của điểm phục vụ bưu chính, cơ sở khai thác bưu gửi, cơ sở viễn thông; trung tâm lưu trữ, quản lý dữ liệu; cơ sở phát thanh, truyền hình; cơ sở hoạt động xuất bản, in ấn” thay vì “bảo tàng, thư viện; nhà triển lãm; nhà trưng bày, nhà lưu trữ, nhà sách, nhà hội chợ; cơ sở tôn giáo”;
– Bổ sung hăng ga máy bay;
– Sửa “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh từ 50m trở lên” thay vì “nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình”.
Bổ sung, làm rõ thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
Nghị định 50/2024/NĐ-CP bổ sung thêm hai phụ lục mới quy định chi tiết, làm rõ về các đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, cụ thể:
– Phụ lục Va: Danh mục dự án, công trình, thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;
– Phụ lục Vb: Danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo đó, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có thẩm quyền thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy đối với các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn quản lý thuộc Phụ lục V, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và các dự án, công trình quy định tại Phụ lục Va.
Quy định mới về danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy
Nghị định 50/2024/NĐ-CP đã bãi bỏ Phụ lục V của 136/2020/NĐ-CP quy định về danh mục dự án, công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy, và ban hành Phụ lục V thay thế. Trong đó, quy định về một số đối tượng như sau:
– Đối với bệnh viện, phòng khám đa khoa, cơ sở y tế: Bệnh viện cao từ 03 tầng trở lên hoặc có khối tích 3.000 m3 trở lên; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 3.000 m3 trở lên;
– Đối với công trình sản xuất công nghiệp: Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên, hạng nguy hiểm cháy, nổ C có tổng khối tích từ 10.000 m3 trở lên, hạng nguy hiểm cháy, nổ D, E có tổng khối tích từ 15.000 m3 trở lên;
– Đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng: có khối tích từ 3.000 m3 trở lên.
Tin Tức mới nhất