Điều kiện, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao

I. Căn cứ pháp lý

– Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;

– Quyết định số 55/2010/QĐ-TTg về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chứng nhận tổ chức, cá nhân hoạt động ứng dụng công nghệ cao, chứng nhận tổ chức, cá nhân nghiên cứu và phát triển công nghệ cao và công nhận doanh nghiệp công nghệ cao;

– Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao;

– Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;

– Thông tư số 04/2020/TT-BKHCN về việc xác định tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao.

II. Điều kiện để trở thành doanh nghiệp công nghệ cao 

Doanh nghiệp công nghệ cao phải có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao, cụ thể như sau:

– Sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật Công nghệ cao;

– Tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong ba năm liền cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu;

– Doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong ba năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên;

– Số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động;

– Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; trường hợp chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì áp dụng tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế chuyên ngành.

III. Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công nghệ cao

Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ photo

* Cơ quan thực hiện:

– Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Bộ Khoa học và Công nghệ.

– Cơ quan tiếp nhận và trả hồ sơ: Văn phòng Chứng nhận hoạt động công nghệ cao và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

– Cơ quan phối hợp thực hiện: Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan.

* Thành phần hồ sơ 

– Đơn đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao theo mẫu quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ; 

– Bản sao có công chứng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 

– Bản thuyết minh doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Công nghệ cao; 

– Hồ sơ minh chứng về các hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam; 

– Báo cáo tài chính của doanh nghiệp (được kiểm toán xác nhận) (Lưu ý: phải là doanh nghiệp hoạt động được ít nhất 01 năm); 

– Báo cáo bóc tách về chi phí thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển và doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao; 

– Hồ sơ về về lực lượng lao động tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển (danh sách và văn bằng);

– Hồ sơ về hệ thống quản lý chất lượng; 

– Hồ sơ về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mà doanh nghiệp áp dụng;

– Hồ sơ Giải trình việc tuân thủ các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tiết kiệm năng lượng.

* Số lượng hồ sơ: 02 bộ, trong đó có 01 một bộ hồ sơ gốc và 01 bộ hồ sơ photo.

Bước 2: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia 

Bước 3: Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ý kiến của Bộ ngành, Ủy ban Nhân dân có liên quan 

Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì Bộ Khoa học và Công nghệ phải có công văn yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được công văn yêu cầu của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao có trách nhiệm bổ sung, sửa chữa và gửi lại Bộ Khoa học và Công nghệ.  

Trong trường hợp cần thiết, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan để làm rõ những vấn đề nêu trong hồ sơ đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao. 

Bước 4: Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao 

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thẩm định và cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao thì phải thông báo lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp đề nghị công nhận doanh nghiệp công nghệ cao.