Điều kiện và thủ tục xin cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp

Hoạt động dạy nghề sơ cấp được mở ra ngày càng nhiều ở các lĩnh vực khác nhau: Kế toán, tin học, spa, chăm sóc da và nhiều lĩnh vực khác. Nhưng để được đào tạo cũng như tuyển sinh, cơ sở dạy nghề phải được cấp giấy phép dạy nghề sơ cấp (Gọi theo thuật ngữ pháp lý là giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Vậy điều kiện, trình tự thủ tục để được phê duyệt khi thực hiện thủ tục xin giấy phép dạy nghề trình độ sơ cấp như nào? 

1. Cơ sở pháp lý 

– Luật giáo dục 2019

– Nghị định số 143/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

– Nghị định 24/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

2. Điều kiện cấp Giấy Chứng Nhận Hoạt Động Giáo Dục Nghề Nghiệp đối với doanh nghiệp 

Để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN trình độ sơ cấp, doanh nghiệp cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 14.1 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 1.21 Nghị định 24/2022/NĐ-CP, bao gồm: 

  • Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp. Diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học; 
  • Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
  • Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo.

3. Thủ tục xin cấp Giấy Chứng Nhận Hoạt Động Giáo Dục Nghề Nghiệp 

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy Chứng Nhận Hoạt Động GDNN, bao gồm: 

  • Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; 
  • Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
  • Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và kèm theo các giấy tờ chứng minh;
  • Bản sao điều lệ hoặc quy chế tổ chức, hoạt động.  

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị thêm các giấy tờ khác liên quan như:  

  • Bản gốc hoặc bản sao hợp đồng lao động còn thời hạn ít nhất 24 tháng đối với giáo viên;  
  • Bản gốc hoặc bản sao hợp đồng thuê nhà, địa điểm hoạt động GDNN còn thời hạn ít nhất 24 tháng và bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. 
  • Hợp đồng mua bán các trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập và kèm theo hóa đơn mua hàng. 

Bước 2. Nộp hồ sơ xin cấp Giấy Chứng Nhận Hoạt Động GDNN  

Sau khi chuẩn bị các tài liệu cần thiết, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ được đóng cuốn đến Phòng Giáo dục nghề nghiệp – Sở LĐTB&XH nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính của cơ sở GDNN. 

Lưu ý: Đối với trường hợp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại phân hiệu, địa điểm đào tạo khác không cùng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với nơi đặt trụ sở chính thì gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tới Sở LĐTB&XH nơi đặt phân hiệu, địa điểm đào tạo khác của cơ sở. 

Bước 3. Tiếp đoàn Kiểm tra của Sở LĐTB&XH  

Trong khoảng 05 – 07 ngày làm việc sau khi nộp hồ sơ, Sở LĐTB&XH tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động GDNN, bao gồm: các điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất, giáo viên và các nội dung liên quan đến việc phòng cháy chữa cháy tại cơ sở. 

Bước 4. Nhận kết quả 

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, nếu cơ sở đảm bảo các điều kiện để hoạt động GDNN, Sở LĐTB&XH sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp; Nếu không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc Sở LĐTB&XH sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.