Hành vi cấm cản con dâu về nhà cha mẹ đẻ có bị xử phạt?
Trong đời sống hôn nhân, việc vợ chồng đôi lúc cãi nhau và người vợ bỏ về nhà cha mẹ đẻ trong lúc nóng giận là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, trong trường hợp này nếu cha mẹ chồng có hành vi cấm cản, không cho con dâu về nhà cha mẹ đẻ của mình thì có bị xem là hành vi vi phạm pháp luật không? Và nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì: “Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác”.
Tuy nhiên, quy định trên không nhằm hạn chế quyền tự do đi lại của vợ hoặc chồng. Cụ thể, tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước”.
Như vậy, người vợ hoàn toàn có quyền tự do cá nhân của mình và được phép trở về nhà cha mẹ để vào bất cứ thời điểm nào mà không bị ai cấm cản.
Do đó, việc cha mẹ chồng có hành vi cấm cản, không cho con dâu về nhà cha mẹ đẻ của mình được xem là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 Của Chính phủ thì mức phạt áp dụng đối với hành vi “Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó” là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Tin Tức mới nhất