Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng con dấu, tài liệu đó nhằm mục đích trái phép thì bị xử lý như thế nào?

I. Căn cứ pháp lý

1. Bộ luật Hình sự 2015 số 100/2015/QH13;

2. Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

II. Nội dung 

1. Khái niệm 

    Con dấu công ty là biểu tượng của tính chuyên nghiệp và sự đại diện của công ty, giúp xác minh tính hợp pháp của các tài liệu và thỏa thuận. Nó là một phần quan trọng trong việc đảm bảo tính toàn vẹn và đáng tin cậy của các giao dịch và tài liệu quan trọng.

    Hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức là hành vi làm giả mạo con dấu, tài liệu; không phải do cơ quan có thẩm quyền làm ra.

2. Xử lý vi phạm 

    Căn cứ tại Điều 341 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: 

“1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

    Ngoài ra trong một số trường hợp, hành vi làm giả con dấu không có đủ những yếu tố cấu thành tội phạm được quy định ở Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, tại Khoản 4  Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu như sau: 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;

b) Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả;

c) Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu;

d) Tiêu hủy trái phép con dấu.”

    Bên cạnh đó người vi phạm còn bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như tịch thu con dấu giả, trục xuất người làm giả con dấu nếu đó là người nước ngoài.