Hợp đồng thương mại và một số vấn đề khi soạn thảo

1. Khái niệm và đặc điểm của Hợp đồng thương mại

Trong Luật thương mại Việt Nam không có khái niệm Hợp đồng thương mại, nhưng có thể hiểu Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.

Các hoạt động thương mại ở đây được xác định theo Luật Thương mại 2005, cụ thể tại Điều 1 Luật thương mại 2005, theo đó bao gồm : hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam; hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp các bên thỏa thuận chọn áp dụng Luật này hoặc Luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó áp dụng luật này.

Hợp đồng thương mại mang những đặc điểm chung của hợp đồng nói chung, đồng thời mang những nét đặc trưng nhất định, trong đó có nổi bật 2 yếu tố cơ bản :

– Nội dung là các hoạt động thương mại.

– Được kí kết giữa các bên là thương nhân hoặc một bên là thương nhân (được thể hiện ở yếu tố chủ thể).

Về chủ thể của hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại được kí kết giữa các bên là thương nhân, hoặc có một bên là thương nhân. Đây là một điểm đặc trưng của hợp đồng thương mại so với các loại hợp đồng dân sự. 

Như vậy, chủ thể trong hợp đồng thương mại gồm thương nhân (bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh), cá nhân, tổ chức khác có hoạt động liên quan đến thương mại (Điều 2 Luật thương mại 2005)

Về nội dung của Hợp đồng thương mại

Nội dung của hợp đồng thương mại nói riêng và hợp đồng nói chung là tổng hợp các điều khoản mà các bên tham gia giao kết hợp đồng đã thỏa thuận, các điều khoản này xác định những quyền và nghĩa vụ dân sự cụ thể của các bên giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản của hợp đồng thương mại là nội dung của hợp đồng thương mại là hoạt động thương mại. Mỗi loại hợp đồng có những quy định nhất định về các điều khoản cơ bản. Ví dụ : Đối với hợp đồng mua bán thì điều khoản cơ bản bao gồm đối tượng và giá cả.

Pháp luật đề cao sự thỏa thuận giữa các bên giao kết, tuy nhiên nội dung của hợp đồng phải tuân theo những quy định của pháp luật hợp đồng nói chung, được quy định tại BLDS 2005. Loại trừ những điều khoản của pháp luật có nội dung mang tính bắt buộc, các bên có thể thỏa thuận với nhau những nội dung khác với nội dung quy định trong pháp luật. Điều 402 BLDS 2005 quy định “ Tùy theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận về những nội dung sau đây :

  • Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm.
  • Số lượng, chất lượng
  • Giá, phương thức thanh toán
  • Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng
  • Quyền , nghĩa vụ của các bên
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
  • Phạt vi phạm hợp đồng
  •  Các nội dung khác

Tùy theo tính chất của từng loại hợp đồng các bên có thể thỏa thuận hay không thỏa thuận tất cả các điều ghi trên. Các bên cũng có thể bổ sung thêm vào hợp đồng những điều khoản không có quy định nhưng các bên cảm thấy không cần thiết. Ngoài ra, để làm rõ nội dung của hợp đồng, có sự bổ sung bởi phụ lục hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng, nhưng nội dung của phụ lục không được trái với hợp đồng. Trường hợp phụ lục có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Nếu các bên không chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi. 

Nguồn của pháp luật Hợp đồng

Nguồn của pháp luật hợp đồng là các căn cứ được sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành, giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế, đơn giản hơn nguồn là nơi chứa những quy định về pháp luật hợp đồng như Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật đầu tư, các nghị quyết, hướng dẫn, tổng kết của tòa án nhân dân tối cao, thói quen và tập quán thương mại. 

Việc áp dụng thói quen và tập quán thương mại chỉ xảy ra khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Khi đó, các bên được coi là mặc nhiên áp dụng những thói quen trong hoạt động thương mại đã được thiết lập giữa các bên đó mà họ đã biết hoặc buộc phải biết . Trường hợp không có luật, tiền lệ, thói quen thì áp dụng tập quán thương mại, tức là thói quen được thừa nhận rộng rãi trong hoạt động thương mại trên một vùng, miền hoặc một lĩnh vực thương mại, có nội dung rõ ràng được các bên thừa nhận để xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại.

 

2. Một số lưu ý khi dự thảo Hợp đồng thương mại

Soạn thảo, đàm phán, thương lượng, ký kết và quản lý hợp đồng đòi hỏi rất nhiều kỹ năng cùng những hiểu biết chuyên sâu về các qui định pháp luật có liên quan. Việc soạn thảo hợp đồng không những đảm bảo lợi ích của các bên trong hợp đồng mà còn phải dự kiến được những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để từ đó có thể điều chỉnh các điều khoản  hợp đồng phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và qui định của pháp luật.

Do vậy, để có thể xây dựng và giao kết 1 bản hợp đồng với những điều khoản chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cần phải phân tích, đánh giá những rủi ro có thể gặp phải. Theo kinh nghiệm thực tế tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp liên quan đến soạn thảo, đàm phán, tranh chấp hợp đồng, Khoa Tín xin gửi tới Quý khách hàng một vài lưu ý như sau: 

– Nghiên cứu tài liệu liên quan, tìm hiểu thông tin liên quan về các bên của hợp đồng trong các trường hợp cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp từ đó đưa ra giải pháp tư vấn tối ưu cho việc soạn hợp đồng và ký kết hợp đồng, đảm bảo lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và cân bằng được lợi ích của các bên trong hợp đồng.

– Xác định quy đinh của pháp luật điều chỉnh tính chất của hợp đồng hoặc theo sự thỏa thuận giữa hai bên: Bộ luật dân sự hay luật thương mại,…

– Khi dự thảo hợp đồng cần đảm bảo chủ thể ký kết hợp đồng, cụ thể các bên phải xem xét giá trị được quy định tại hợp đồng để đối chiếu trong Điều lệ và quy định pháp luật về thẩm quyền thông qua, thẩm quyền ký kết hợp đồng.  Bên đại diện ký kết hợp đồng là người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền theo văn bản, có đóng dấu công ty. 

– Xác định đối tượng hợp đồng là hàng hóa hay dịch vụ để chi tiết hóa đối tượng trong hợp đồng. Càng chi tiết về đối tượng hợp đồng, các bên càng lường được các rủi ro pháp lý không đáng có, ví dụ đối với hàng hóa cần thiết phải có số lượng, chất lượng theo tiêu chuẩn ra sao, tiêu chí bảo quản, vận chuyển,…

– Xác định các quyền và nghĩa vụ phát sinh theo Hợp đồng; 

– Thiết kế cơ chế phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, điều kiện bất khả kháng, chấm dứt hợp đồng, tranh chấp…

Để đảm bảo cơ chế hợp tác giữa hai bên, lường trước các rủi ro pháp lý không đáng có khi thực hiện hợp đồng, bạn có thể liên hệ với Khoa Tín để được hỗ trợ nhanh nhất và chính xác nhất. Bằng việc cung cấp dịch vụ của mình, Khoa Tín sẽ thực hiện các nội dung sau đây: 

1. Tư vấn pháp luật về các điều kiện để thực hiện giao kết hợp đồng;

2. Nghiên cứu tài liệu liên quan, tìm hiểu thông tin liên quan về các bên của hợp đồng trong các trường hợp cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp từ đó đưa ra giải pháp tư vấn tối ưu cho việc soạn hợp đồng và ký kết hợp đồng, đảm bảo lợi ích tối đa cho doanh nghiệp và cân bằng được lợi ích của các bên trong hợp đồng;

3. Cử Luật sư tham gia vào đàm phán hợp đồng;

4. Đưa ra các ý kiến pháp lý để khách hàng đánh giá, quyết định trong việc đàm phán các nội dung hợp đồng;

5. Thẩm định các nội dung, rà soát, chỉnh sửa các điều khoản hợp đồng do đối tác đưa ra;

6. Soạn thảo các điều khoản hợp đồng cần thiết, đàm phán với đối tác để bảo vệ các điều khoản quan trọng, bảo đảm được quyền hợp pháp của khách hàng;

7. Soạn thảo và hiệu chỉnh các điều khoản liên quan tới quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng;

8. Tư vấn và soạn thảo các nội dung khác trên cơ sở các qui định của pháp luật về hợp đồng như điều khoản thanh toán, phạt hợp đồng, luật áp dụng, cơ quan tài phán…

9. Bảo trợ pháp lý cho nội dung của hợp đồng đã ký kết.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về khái niệm, đặc điểm của hợp đồng thương mại và những lưu ý khi dự thảo hợp đồng thương mại. 

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.