Lưu ý lựa chọn ngành nghề khi đăng ký kinh doanh
Đăng ký ngành nghề kinh doanh là một trong những nội dung bắt buộc khi thành lập doanh nghiệp. Đây cũng chính là nội dung mà một doanh nghiệp khi thành lập quan tâm nhất bởi doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong phạm vi những ngành nghề đã đăng ký. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không nên đăng ký quá nhiều ngành nghề kinh doanh sẽ rất khó kiểm soát và dễ gặp sai phạm, do đó, việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh phù hợp khi thành lập công ty là việc quan trọng. Vậy khi đăng ký ngành nghề kinh doanh cần lưu ý những nội dung gì?
I. Căn cứ pháp luật
- Luật doanh nghiệp 2020;
- Luật đầu tư 2020;
- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg.
II. Những lưu ý khi lựa chọn ngành nghề đăng ký kinh doanh
1. Không lựa chọn các ngành nghề kinh doanh pháp luật cấm
Việc đầu tư kinh doanh trước khi hợp lý và hiệu quả thì cần phải hợp pháp. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm”.
Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau:
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vố tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Doanh nghiệp cần tuân thủ không được phép kinh doanh những ngành nghề nêu trên, bởi ngoài việc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh đối với các ngành nghề bị cấm còn có thể bị xử phạt, truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Lưu ý khi đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020: “Ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 quy định 227 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, do đó khi lựa chọn ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp cần chú ý ngành nghề đó có thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện không?
Doanh nghiệp muốn kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải đáp ứng các tiêu chí về giấy phép kinh doanh và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh
Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
- Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật Doanh nghiệp 2020;
- Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
- Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp phải đủ điều kiện đầu tư kinh doanh
Theo Khoản 9 Điều 2 Luật đầu tư 2020, điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện cá nhân, tổ chức phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Trong quá trình đăng ký thành lập doanh nghiệp, ngoài việc ghi mã ngành, tên ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần ghi rõ thông tin văn bản pháp luật quy định về điều kiện đối với ngành nghề kinh doanh đó. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh có điều kiện đòi hỏi sự cân nhắc và sẽ khó khăn nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu, điều kiện của ngành nghề đó. Do vậy, doanh nghiệp chỉ nên đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong trường hợp đó là ngành nghề bắt buộc hay ngành nghề chính, ngược lại ngành nghề dự định hoạt động trong tương lai mà hiện tại doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để thực hiện thì không nên đăng ký ngành nghề có điều kiện. Khi đăng ký các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, ngoài giấy đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, doanh nghiệp cần có Giấy phép con (Giấy phép kinh doanh) để hoạt động.
3. Ngành nghề kinh doanh chính
Khoản 1 Điều 13 Nghị định 69/2014/NĐ-CP về tập đoàn kinh tế nhà nước và tổng công ty nhà nước như sau: “Ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp là ngành nghề được xác lập từ mục đích đầu tư thành lập và chiến lược phát triển doanh nghiệp, do chủ sở hữu quy định và giao cho doanh nghiệp thực hiện khi thành lập và trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp”.
Ngành nghề kinh doanh chính là yếu tố bắt buộc đăng ký khi thành lập doanh nghiệp. Việc này có ý nghĩa quan trọng, là căn cứ để cơ quan thuế cấp mã chương, loại, khoản cho doanh nghiệp; từ đó xác định các nghĩa vụ thuế phải đóng cho nhà nước. Ngoài ra, ngành nghề kinh doanh giúp nhận biết nhanh chóng về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp một cách rõ ràng, đầy đủ. Vì vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn ngành nghề kinh doanh chính của công ty mình để đảm bảo sự phù hợp trong hoạt động kinh doanh của mình.
Tin Tức mới nhất