Một số vấn đề pháp lý về thời hạn trong kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm
1. Kháng cáo là gì?
Trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động…. (sau đây gọi chung là Bản án dân sự để phân biệt với Bản án Hình sự, Hành chính) tại Tòa án nhân dân, trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận về việc giải quyết vụ án, vụ án không bị đình chỉ giải quyết theo quy định pháp luật thì Hội đồng xét xử sơ thẩm sẽ tiến hành mở phiên tòa và giải quyết tranh chấp bằng Bản án sơ thẩm. Trường hợp các đương sự trong vụ án không đồng ý với một phần hoặc tất cả các nội dung đã được xem xét, quyết định tại Bản án thì có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên án hoặc kể từ ngày được tống đạt Bản án – nếu vắng mặt trong phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Hiện tại, chưa có khái niệm pháp lý thống nhất về “Kháng cáo” nhưng đều được hiểu là một hành vi tố tụng của đương sự trong vụ án, bày tỏ sự không đồng ý, không chấp nhận quyết định của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm tại Bản án và đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét lại một phần hoặc toàn bộ Bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng chưa có hiệu lực pháp luật.
2. Thủ tục kháng cáo và thời hạn kháng cáo
Thủ tục về việc kháng cáo Bản án sơ thẩm được quy định tại Chương XV, Chương VI và chương XVII, phần thứ ba của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết kháng cáo quá hạn, một số thủ tục chưa có quy định cụ thể về thời hạn khiến cho một số Tòa án chậm ban hành văn bản tố tụng, kéo dài thời gian giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Cụ thể:
– Điều 274 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thủ tục kiểm tra đơn kháng cáo của Tòa án cấp sơ thẩm. Theo đó, sau khi nhận được đơn kháng cáo, Tòa án phải xem xét đơn đã hợp lệ theo quy định tại Điều 272 chưa? Có đúng thời hạn không? Nếu chưa đúng nội dung, hình thức đơn thì tòa án yêu cầu người kháng cáo làm lại hoặc sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo. Nếu việc kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 thì Tòa án sẽ yêu cầu người kháng cáo trình bày rõ lý do và xuất trình tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn là chính đáng. Tuy nhiên, bộ luật Tố tụng chưa quy định rõ thời hạn giải quyết thủ tục này trong thời hạn bao lâu, cụ thể là bao nhiêu ngày mà chỉ có thể căn cứ vào Mẫu số 57-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) về thông báo về yêu cầu trình bày lý do kháng cáo quá hạn để xác định thời hạn giải trình kháng cáo quá hạn là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của tòa án.
– Khoản 1 Điều 275 quy định về việc giải quyết khi đương sự kháng cáo quá hạn: “Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm”. Tuy nhiên, bộ luật dân sự cũng không quy định rõ thời hạn để tòa án cấp sơ thẩm chuyển đơn và hồ sơ kháng cáo quá hạn đến tòa án nhân dân cấp phúc thẩm là bao nhiêu ngày.
– Khoản 1 Điều 277 quy định về việc Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và các đương sự trong vụ án về việc kháng cáo kèm theo bản sao đơn kháng cáo, tài liệu, chứng cứ bổ sung mà người kháng cáo gửi kèm đơn kháng cáo. Mặc dù có quy định “phải thông báo ngay bằng văn bản” về việc kháng cáo của đương sự nhưng thời gian cụ thể để phát hành thông báo thì luật cũng chưa quy định. Do vậy, việc quy định phải thông báo về việc kháng cáo mặc dù có sự yêu cầu gấp rút, khẩn trương hơn so với các thủ tục khác nhưng cũng không có nhiều ý nghĩa và chưa hiệu quả khi không có cơ sở để so sánh, đánh giá.
– Khoản 1 Điều 285 quy định về việc thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm: “Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý”. Tuy nhiên, từ Chương XV đến Chương XVI đều không có quy định về thời hạn mà Tòa án cấp sơ thẩm phải hoàn thiện hồ sơ vụ án tại giai đoạn sơ thẩm là bao lâu? Thời gian tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ lên tòa án cấp phúc thẩm là bao nhiêu ngày?
Trên đây là một số thủ tục tố tụng điển hình, bắt buộc phải thực hiện trong quá trình đương sự kháng cáo và Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thực hiện các thủ tục xem xét, chuẩn bị cho việc xét lại bản án sơ thẩm. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan khiến tòa án cấp sơ thẩm chậm trễ trong việc thực hiện các thủ tục như khối lượng công việc lớn, Thẩm phán phụ trách chưa kịp xem xét, chuẩn bị hồ sơ; Vụ án có nhiều đương sự, việc niêm yết, tống đạt văn bản tố tụng cần nhiều thời gian; Do thiên tai hoặc dịch bệnh…. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân chủ quan hoặc cố ý kéo dài thực hiện các thủ tục tố tụng để tạo điều kiện cho một trong các đương sự thay đổi hiện trạng tranh chấp, tạo ra các tranh chấp mới hoặc xây dựng chứng cứ có lợi cho một bên… Trên thực tế, có rất nhiều vụ án, sau nhiều tháng kể từ thời điểm kháng cáo, đương sự mới được tòa án cấp sơ thẩm hoàn thiện thủ tục pháp lý và hồ sơ để chuyển lên cấp phúc thẩm. Trong thời gian này, vụ án đã có thể phát sinh thêm nhiều tình tiết mới bất lợi cho một hoặc nhiều bên trong tranh chấp; Gia tăng thiệt hại cho đương sự như trong các tranh chấp có yêu cầu tính lãi suất; Tài sản có thể bị hư hỏng, thiệt hại, thay đổi hiện trạng; Tính thời vụ hoặc có yếu tố biến động về giá trị tài sản tranh chấp….
Do vậy, theo quan điểm của tác giả, Bộ luật tố tụng dân sự cần quy định cụ thể, chặt chẽ về thời hạn tố tụng cho tất cả các thủ tục, giai đoạn tố tụng để cán bộ Tòa án, thẩm phán có cơ sở thực hiện nhanh chóng, kịp thời; Đương sự có căn cứ để theo dõi và đề nghị nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án; Đẩy nhanh tiến độ giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa các yếu tố bất lợi có thể phát sinh, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng, tác động tiêu cực của các tranh chấp đối với xã hội và các đương sự.
Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Một số vấn đề pháp lý về thời hạn trong kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm“.
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất