Người lao động được đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động khi nào?

1.  Căn cứ pháp lý

– Bộ Luật Lao động 2019

– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động

2. Các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

2.1. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo cho người sử dụng lao động trong các trường hợp căn cứ theo Khoản 2 Điều 35 Bộ Luật lao động 2019:

– Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ các trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật lao động 2019 (chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động);

– Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương theo quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật lao động 2019;

– Người lao động bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

– Người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

– Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật lao động 2019;

– Lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

– Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Ví dụ: Ngày 03/09/2022 ông A (giám đốc công ty LT) ký hợp đồng lao động không xác định với bà B để thuê bà B làm nhân viên lễ tân tại chi nhánh Đà Nẵng. Sau 1 tháng làm việc, ông A tuyển thêm một nhân viên lễ tân mới nên điều chuyển bà B sang làm tại chi nhánh Huế. Ngày 04/10/2020 bà B nghỉ việc mà không báo trước cho công ty LT. Theo đó, việc không báo trước trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của bà B là đúng theo quy định của pháp luật bởi vì căn cứ tại điểm Khoản 2 Điều 35 Bộ Luật lao động 2019 thì bà B có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước do công ty LT không bố trí đúng địa điểm làm việc cho bà B.

2.2. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cần báo trước

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì bất kỳ lý do gì nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật căn cứ tại khoản 1 Điều 35 Bộ Luật lao động 2019 như sau:

– Báo trước không quá 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

– Báo trước không quá 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

– Báo trước không quá 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

– Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ căn cứ tại Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP bao gồm các ngành nghề như sau:

Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay;

Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; 

Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài; thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho thuê lại làm việc trên tàu biển nước ngoài; 

Trường hợp khác do pháp luật quy định. 

Trong trường hợp khi người lao động làm ngành, nghề, công việc như đã nêu trên thì người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với những người lao động này thì thời hạn báo trước như sau: Không quá 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên; Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng. 

Ví dụ: Ngày 05/09/2021 ông T (chủ shop thời trang TH) ký hợp đồng thuê bà N làm nhân viên bán hàng với thời hạn là 12 tháng với mức lương 20.000 đồng/giờ làm việc. Tuy nhiên, đến ngày 07/12/2021 thì bà N lại tìm được một công việc mới với mực thù lao cao hơn nên bà N viết đơn xin nghỉ việc vào ngày 08/12/2021 và xin phép được nghỉ việc vào ngày 07/02/2022. Như vậy, bà N đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động xác định thời hạn, cụ thể là hợp đồng lao động có thời hạn 12 tháng. Bà đã thực hiện báo trước cho ông T trước 60 ngày kể từ ngày ông T nhận được thông báo.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về: “Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi nào?” 

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.