Những lưu ý trước khi thành lập doanh nghiệp

Việc thành lập doanh nghiệp là một quy trình pháp lý quan trọng và để đảm bảo rằng quá trình này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, diễn ra thuận lợi, các chủ doanh nghiệp tương lai cần lưu ý đến một số yếu tố cơ bản. Cụ thể:

I. Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiệp 2020
  • Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
  • Quyết định 27/2018/QĐ-TTg Ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2018

II. Một số lưu ý cơ bản

  • Lưu ý về lựa chọn loại hình doanh nghiệp

Việc lựa chọn này là vô cùng quan trọng, mang tính chất chủ chốt về phương hướng hoạt động của doanh nghiệp. Theo pháp luật doanh nghiệp hiện hành, khách hàng có thể lựa chọn các loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, Công ty hợp danh. Mỗi loại hình doanh nghiệp đều có ưu nhược điểm khác nhau, phù hợp với nhu cầu kinh doanh của từng khách hàng. Vì vậy, khách hành căn cứ vào định hướng phát triển của mình, tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.

  • Lưu ý về đặt tên

Luật Doanh nghiệp hiện hành quy định tên doanh nghiệp không được trùng nhau, không được tương đồng dễ gây nhầm lẫn, đồng thời không thuộc các điều cấm của luật như sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc, … Trên thực tế tên công ty ngày càng hạn chế do số lượng doanh nghiệp ngày một nhiều. Vì vậy, khi tiến hành thành lập doanh nghiệp bước đầu tiên phải tiến hành tra cứu tên doanh nghiệp của mình xem đã có đơn vị nào sử dụng hay chưa.

  • Lưu ý về trụ sở

Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về Trụ sở chính của doanh nghiệp như sau:

“Trụ sở chính của doanh nghiệp là địa điểm liên lạc của doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).” Ngoài ra, trên thực tế, trụ sở công ty không thể là nhà tập thể, nhà chung cư. Khách hàng thành lập doanh nghiệp có thể thuê, mượn nhà để làm trụ sở, tuy nhiên cần lưu ý về hợp đồng thuê nhà, căn cứ chứng minh tính hợp pháp của nhà để tiến hành việc đăng ký thành lập doanh nghiệp một cách thuận lợi.

  • Lưu ý về đăng ký vốn điều lệ Công ty

Hiện tại, pháp luật không quy định mức vốn điều lệ, chủ doanh nghiệp có thể tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về mức vốn điều lệ của công ty mình sẽ thành lập. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý lựa chọn mức phù hợp với số vốn có thể góp, ngành nghề kinh doanh, tình hình hoạt động thực tế. Trong trường hợp cần thiết, các chủ sở hữu doanh nghiệp cần phải bàn bạc với nhau để thống nhất phương thức định giá và tổ chức định giá trước khi thành lập doanh nghiệp hay thậm chí là tự thỏa thuận định giá với nhau và có thể đưa vào trong hợp đồng/thỏa thuận thành lập doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, khi cổ đông không góp đủ vốn trong vòng 90 ngày thì công ty phải hoạt động đủ 02 năm mới có thể đăng ký giảm vốn điều lệ cùng một số điều kiện nhất định. Vì vậy, việc xác định mức vốn điều lệ hợp lý sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được những rủi ro phải thay đổi vốn điều lệ phức tạp về sau, tiết kiệm thời gian, đảm bảo việc góp vốn và lợi ích các thành viên/cổ đông trong công ty.

  • Lưu ý về lựa chọn ngành nghề định kinh doanh

Hiện nay, doanh nghiệp được kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Việc áp mã ngành nghề kinh doanh của công ty thực hiện theo mã ngành cấp 4 theo quy định tại hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam tại Quyết định số: 27/2018/QĐ-TTg. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh các ngành nghề mà mình đã đăng ký và kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp nên lựa chọn phạm vi rộng khi đăng ký các ngành nghề kinh doanh cho công ty trong hồ sơ đăng thành lập công ty. Ngoài ra, ở một số loại ngành nghề, doanh nghiệp phải xin thêm giấy phép kinh doanh, phải có chứng chỉ hành nghề, đáp ứng thêm một số điều kiện đặc thù của ngành nghề do pháp luật quy định cũng như phải thực hiện đúng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Thêm vào đó việc phân và áp mã ngành cũng cần phải đảm bảo cả những quy định riêng về chuyên ngành đó. Vì vậy, người sáng lập cần xác định rõ các đầu mục ngành muốn kinh doanh và tham khảo thêm ý kiến tư vấn của luật sư chuyên ngành để có phương án tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.