Phân biệt chứng từ tài chính và chứng từ thương mại trong thanh toán quốc tế
1. Chứng từ tài chính trong thanh toán quốc tế
Trong mua bán hàng hóa, người bán trao hàng, còn người mua trả tiền. Do vậy, tiền được xem là phương tiện thanh toán đương nhiên theo luật định, hay nói cách khác, tiền được chấp nhận là phương tiện thanh toán một cách vô điều kiện.
Trong thực tiễn thương mại, có hai vấn đề đặt ra là:
Thứ nhất, người mua không phải lúc nào cũng có sẵn tiền để thanh toán tiền hàng.
Thứ hai, việc thanh toán giữa người mua và người bán thường không được tiến hành trực tiếp bằng tiền, nhất là trong thương mại quốc tế.
Vậy, người bán làm thế nào để bán được hàng, trong khi người mua không có sẵn tiền hoặc không thể thanh toán trực tiếp bằng tiền. Đối với người mua: làm thế nào mua được hàng, trong khi không có sẵn tiền hoặc không thể thanh toán trực tiếp bằng tiền.
Để giải quyết mâu thuẫn này và thúc đẩy thương mại phát triển, các phương tiện thanh toán thích hợp được tạo ra để thay thế cho thanh toán trực tiếp bằng tiền. Các phương tiện thanh toán này thực chất là các tài sản tài chính được dùng để chi trả, thanh toán lẫn nhau trong thương mại nội địa và quốc tế.
Để trở thành phương tiện thay thế tiền được chấp nhận trong thanh toán, thì các tài sản tài chính phải được luật định. Nhìn chung, các luật ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế là tương đối thống nhất trong việc quy định tài sản tài chính nào là phương tiện thanh toán. Đó là:
– Hối phiếu: là tờ lệnh đòi tiền vô điều kiện do một người kí phát cho một người khác, yêu cầu người này khi nhìn thấy lệnh hoặc đến ngày cụ thể nhất định hoặc đến ngày có thể xác định trong tương lai phải trả số tiền nhất định cho người nào đó; hoặc theo yêu cầu của người này trả cho người khác hoặc trả cho người cầm lệnh đó.
– Kỳ phiếu: do người thụ trái (người nhận nợ) viết ra để hứa cam kết để trả tiền cho người hưởng lợi. Nói cách khác, kì phiếu là giấy nhận nợ hứa cam kết trả tiền vô điều kiện do người lập phiếu phát ra trả số tiền nhất định cho người hưởng lợi hoặc theo lệnh của người này trả cho người khác theo quy định trong kì phiếu đó.
– Séc: Theo công ước Geneve năm 1931 thì séc là một tờ mệnh lệnh vô điều kiện do một người (chủ tài khoản tiền gửi), ra lệnh cho ngân hàng trích từ tài khoản của mình một số tiền nhất định để trả cho người được chỉ định trên séc, hoặc trả theo lệnh của người này hoặc trả cho người cầm séc.
Các tài sản tài chính có chức năng là các phương tiện thanh toán được thể hiện dưới dạng chứng từ, nên người ta gọi chúng là chứng từ tài chính.
Vậy chứng từ tài chính trong thanh toán quốc tế là:
– Là những văn bản chứa đựng thông tin thanh toán chuyển giao giữa người mua và người bán
– Là những bằng chứng có giá trị pháp lý, làm cơ sở cho việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quan hệ thương mại.
2. Chứng từ thương mại trong thanh toán quốc tế
Chứng từ thương mại là Giấy tờ liên quan đến hoạt động thương mại gồm hóa đơn bán hàng, chứng từ vận chuyển, các giấy tờ liên quan đến quyền sở hữu đối với hàng hóa và các loại giấy tờ khác không phải là chứng từ tài chính. Chứng từ thương mại là loại giấy tờ cần thiết trong thanh toán quốc tế.
Nhìn chung, chứng từ thương mại gồm:
– Chứng từ vận tải;
– Chứng từ bảo hiểm;
– Chứng từ hàng hoá.
Chứng từ thương mại là những văn bản chứa đựng các thông tin về hàng hóa, vận tải, bảo hiểm, là cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề liên quan tới quan hệ thương mại quốc tế và thanh toán quốc tế.
Trong số các chứng từ vận tải, vận đơn đường biển có vai trò nổi bật bởi chức năng sở hữu hàng hóa và chuyên chở bằng đường biển chiếm tới 80% khối lượng vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Do tính chất phức tạp của hoạt động thương mại quốc tế với những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ khoảng cách địa lý, sự khác biệt về hệ thống pháp lý, tập quán, ngôn ngữ, các doanh nghiệp và ngân hàng cần thận trọng khi lập và chuyển giao chứng từ thương mại.
2.1. Chứng từ vận tải
Chứng từ vận tải là chứng từ do các chủ tàu hay thuyền trưởng cấp cho chủ hàng nhằm xác nhận mình đã nhận được hàng hoá.
Các chứng từ vận tải thông dụng nhất hiện nay gồm:
– Chứng từ vận đơn đường biển khi hàng hoá được chuyên chở bằng đường biển.
– Chứng từ vận đơn đường sắt khi hàng hoá được chuyên chở bằng đường sắt.
– Chứng từ vận đơn đường hàng không khi hàng hoá được chuyên chở bằng phương tiện máy bay.
Ngoài ra còn có chứng từ vận tải đa phương thức; biên lai gửi hàng đường biển.
2.2. Chứng từ bảo hiểm
Chứng từ bảo hiểm: là chứng từ do người bảo hiểm ký phát, cam kết bồi thường cho người được bảo hiểm. Gồm:
– Bảo hiểm đơn
– Giấy chứng nhận bảo hiểm
– Hợp đồng bảo hiểm bao
– Phiếu bảo hiểm
2.3. Chứng từ hàng hoá
Chứng từ hàng hoá có tác dụng nói rõ đặc điểm về giá trị, chất lượng và số lượng của hàng hoá. Những chứng từ này do người xuất trình và người mua sẽ trả tiền khi nhận được chúng. Những chứng từ chủ yếu của loại này là hoá đơn thương mại, bảng kê chi tiết, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận phẩm chất. Gồm:
– Hoá đơn thương mại
– Giấy chứng nhận xuất xứ
– Phiếu đóng gói
– Giấy kiểm định
– Giấy chấp nhận số lượng, chất lượng
– Các chứng từ khác
Nhìn chung, chứng từ tài chính là các chứng từ có chức năng làm phương tiện thanh toán và được quy định trong luật của nước và tương đối thống nhất với nhau. hầu hết luật các nước đều quy định chứng từ tài chính gồm: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ và séc. Theo khoản b điều 2, URC 552 thì: “Document” means financial documents and/or commercial document:
1.”Financial document” means bills of exchange, promissory notes, cheques, or other similar instruments used for obtaining the payment of money
2.”Commercial documents” means invoices, transport documents, documents of title or other similar document, or any other documents whatsoever, not being financial documents.
Nghĩa là:
“Chứng từ” bao gồm các chứng từ tài chính và chứng từ thương mại
1.”Chứng từ tài chính” bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, hoặc các phương tiện tương tự khác được sử dụng trong việc thanh toán tiền
2.”Chứng từ thương mại” bao gồm hoá đơn, chứng từ vận tải, các chứng từ có tiêu đề hoặc các chứng từ tương tự khác, hoặc bất kỳ chứng từ nào khác không phải chứng từ tài chính.
Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Phân biệt chứng từ tài chính và chứng từ thương mại trong thanh toán quốc tế”.
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất