Phương thức rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi Công ty
I. Căn cứ pháp lý
– Luật Doanh nghiệp 2020
II. Các phương thức rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài
1) Chuyển nhượng phần vốn góp
Một trong những cách thức phổ biến để rút vốn ra khỏi công ty là Nhà Đầu Tư chuyển nhượng Cổ Phần/Phần Vốn Góp của mình cho người khác. Việc chuyển nhượng này có quy định riêng với mỗi hình thức của công ty mà Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn.
a) Công Ty Cổ Phần
– Trường hợp Nhà Đầu Tư là cổ đông sáng lập và nắm giữ Cổ Phần Phổ Thông, Khoản 1, Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 120. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập
1. Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập; trường hợp này, Điều lệ công ty trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.”
Vậy trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp, Nhà Đầu tư được quyền tự do chuyển nhượng Cổ Phần Phổ Thông cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại Hội đồng Cổ đông, Nhà Đầu tư không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
– Trường hợp Nhà Đầu tư là cổ đông sáng lập và nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết, Khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định:
Điều 116. Cổ phần ưu đãi biểu quyết và quyền của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết
3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.”
Theo quy định, Nhà Đầu tư không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế .
– Nếu không thuộc trường hợp ở trên và Điều lệ công ty không quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, Nhà Đầu Tư được tự do chuyển nhượng cổ phần cho người khác.
b) Công Ty TNHH hai thành viên trở lên
Theo Điều 52, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 52. Chuyển nhượng phần vốn góp
1.Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, khoản 6 và khoản 7 Điều 53 của Luật này, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo quy định sau đây:
a. Chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán;
b. Chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán.”
Để rút phần vốn góp, Nhà Đầu tư phải thực hiện chào bán phần vốn góp cho các thành viên góp vốn khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán. Sau 30 ngày, nếu các Thành Viên Góp Vốn khác không mua hoặc không mua hết Phần Vốn Góp, Nhà Đầu Tư được quyền chuyển nhượng cho người khác không phải là Thành Viên Góp Vốn với cùng một điều kiện chào bán ở trên.
c) Công Ty TNHH một thành viên
Với công ty TNHH một thành viên, Nhà Đầu Tư không có hạn chế và được tự do chuyển nhượng vốn điều lệ cho người khác. Tuy nhiên, trường hợp Nhà Đầu Tư chuyển nhượng một phần vốn điều lệ cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác thì theo Điều 78, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 78. Thực hiện quyền của chủ sở hữu công ty trong một số trường hợp đặc biệt
1. Trường hợp chủ sở hữu công ty chuyển nhượng, tặng cho một phần vốn điều lệ cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác hoặc công ty kết nạp thêm thành viên mới thì công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng và đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển nhượng, tặng cho hoặc kết nạp thành viên mới.”
Với trường hợp trên, công ty phải tổ chức quản lý theo loại hình doanh nghiệp tương ứng, công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
2) Công ty hoàn trả một phần vốn góp từ các Nhà đầu tư
Theo Điều 68, 87, 112, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cho các doanh nghiệp được tăng giảm vốn điều lệ như sau:
“Điều 68. Tăng, giảm vốn điều lệ (Công ty TNHH hai thành viên trở lên)
3. Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a. Hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho thành viên;”
“Điều 87. Tăng, giảm vốn điều lệ (Công ty TNHH một thành viên)
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a. Hoàn trả một phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho chủ sở hữu công ty;”
“Điều 112. Vốn của công ty cổ phần (Công ty cổ phần)
5. Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:
a. Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;”
Với việc hoàn trả phần vốn góp, Công ty được quyền hoàn trả một phần vốn góp cho các Nhà Đầu Tư theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ của công ty nếu đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày được cấp Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp lần đầu và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho các Nhà Đầu Tư. Theo đó, vốn điều lệ của công ty sẽ bị giảm xuống tương ứng.
Ngoài ra, trường hợp là công ty cổ phần, công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán quy định tại Điều 133, Luật Doanh nghiệp:
“Điều 133. Mua lại cổ phần theo quyết định của công ty
Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
1. Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
2. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;”
Theo đó, Hội Đồng Quản Trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại Hội Đồng Cổ Đông quyết định. Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần.
3) Công ty mua lại toàn bộ Cổ phần/ Phần vốn góp của Nhà đầu tư
Với trường hợp Nhà đầu tư không đồng ý với một số quyết định của công ty thì được quyền yêu cầu công ty mua lại toàn bộ cổ phần/phần vốn góp của mình.
a) Công ty cổ phần
Với Công ty cổ phần, Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 132. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
1. Cổ đông đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
2. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.”
Nhà Đầu Tư đã biểu quyết không thông qua nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu trên phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Đại Hội Đồng Cổ Đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này. Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của Nhà Đầu Tư với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Với trường hợp không thỏa thuận được về giá, các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá cổ phần của Nhà đầu tư.
b) Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Với công ty TNHH hai thành viên trở lên, Điều 51, Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
“Điều 51. Mua lại phần vốn góp
1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
2. Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
4. Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty.”
Nhà Đầu Tư có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu Nhà Đầu Tư đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội Đồng Thành Viên về vấn đề:
– Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
– Tổ chức lại công ty
– Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Việc yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Nhà Đầu Tư thì công ty phải mua lại phần vốn góp của Nhà Đầu Tư đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
Trường hợp Nhà Đầu Tư rút một phần hoặc toàn bộ vốn ra khỏi công ty dưới hình thức khác không thuộc những trường hợp được pháp luật cho phép, Nhà Đầu Tư và và cá nhân, tổ chức có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty.
Tin Tức mới nhất