Quy định về Người lập di chúc
Di chúc là quyền dân sự của mỗi cá nhân, theo quy định của Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015:“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.”. Người lập di chúc thể hiện ý chí cá nhân của mình, thể hiện quyền định đoạt một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho người khác sau khi chết mà không cần có sự thoả thuận với những người đồng sở hữu tài sản hay những người thuộc hàng thừa kế,…
Nội dung bài viết này tập trung tư vấn về điều kiện và quy định về người lập di chúc theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Vì di chúc là thể hiện ý chí cá nhân nên người lập di chúc phải đáp ứng các điều kiện theo quy định:
Thứ nhất, người lập di chúc phải là chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản được liệt kê trong di chúc. Người lập di chúc phải tự mình ký vào di chúc, không thông qua người đại diện;
Thứ hai, người lập di chúc phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, gồm:
- Là người đã thành niên, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng bức;
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
- Theo quy định của Luật Nhà ở, đối với các cá nhân tham gia giao dịch về nhà ở, trong đó có giao dịch “để thừa kế”, thì cá nhân “phải đó đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự”. Như vậy, với giao dịch về nhà ở thì người để thừa kế phải là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự, nghĩa là đủ mười tám tuổi trở lên;
- Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Quy định này nhằm đảm bảo di chúc mang tính khách quan, thể hiện đúng ý nguyện của người lập di chúc, tránh việc người lập di chúc bị cưỡng ép, lừa dối hoặc tránh việc giả mạo, thay đổi di chúc trái với ý nguyện của họ.
Theo quy định tại Điều 626 Bộ luật Dân sự thì người lập di chúc có các quyền sau:
“1.Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế.
2.Phân định phần di sản cho từng người thừa kế.
3.Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng.
4.Giao nghĩa vụ cho người thừa kế.
5.Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản.”
Như vậy, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế để chuyển một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho một hoặc nhiều người. Họ có quyền để lại tài sản cho bất cứ cá nhân nào trong hoặc ngoài hàng thừa kế theo pháp luật hoặc để lại tài sản cho bất kỳ tổ chức, cơ quan, đơn vị nào. Việc chỉ định hoặc truất quyền có thể nêu lý do hoặc không nêu lý do. Khi phân định di sản cho những người thừa kế, người lập di chúc có thể phân định theo tỷ lệ phần trăm hoặc theo giá trị tài sản cụ thể. Hoặc người lập di chúc chỉ chỉ định những người thừa kế mà không phần định giá trị di sản cho từng người thì được hiểu những người này được hưởng các phần bằng nhau. Bên cạnh đó, người lập di chúc có quyền để lại một phần tài sản để di tặng, thờ cúng và giao nghĩa vụ dân sự trong phạm vi di sản cho người thừa kế; đồng thời người lập di chúc có quyền chỉ định người giữ di chúc, người quản lý và phân chia di sản của họ.
Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về vấn đề liên quan đến người lập di chúc. Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
(Luật sư Trịnh Thị Ngân)
Tin Tức mới nhất