Sau khi thành lập Doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì?

Thứ nhất, khắc con dấu doanh nghiệp

Doanh nghiệp cần xác định số lượng con dấu công ty và tiến hành khắc dấu công ty.

Thứ hai, treo biển doanh nghiệp tại trụ sở

Doanh nghiệp phải treo biển tại trụ sở công ty trong suốt quá trình hoạt động của công ty. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị xử phạt về hành vi “Không hoạt động tại trụ sở chính”.

Thứ ba, mở tài khoản ngân hàng

Để mở tài khoản ngân hàng công ty thì người đại diện pháp luật hoặc kế toán trưởng của công ty cần cầm theo giấy tờ chứng thực cá nhân bản sao, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, con dấu công ty ra ngân hàng làm thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho công ty. 

Sau khi mở tài khoản ngân hàng cần làm hồ sơ thông báo tài khoản ngân hàng với Chi cục thuế quản lý. Thời hạn thông báo tài khoản ngân hàng là 10 ngày sau khi có tài khoản.

Thứ tư, mua chữ ký số (Token)

Việc tiếp theo sau khi thành lập công ty Quý khách hàng cần làm là mua chữ ký số, chữ ký số sẽ giúp cho kế toán đỡ mất thời gian trong việc nộp các tờ khai, văn bản liên quan đến các hoạt động của công ty. Việc sử dụng chữ ký số sẽ thuận tiện cho các công tác kê khai thuế, hải quan và ký, xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Nếu doanh nghiệp phát hành hóa đơn điện tử bắt buộc phải có chữ ký số.

Thứ năm, tiến hành kê khai kế toán ban đầu

Nộp tờ khai lệ phí môn bài: Doanh nghiệp cần sử dụng chữ ký số để nộp tờ khai lệ phí môn bài mẫu 01/MBAI. Trong năm đầu thành lập, Doanh nghiệp được miễn lệ phí môn bài. Từ năm thứ hai trở đi, Doanh nghiệp phải nộp lệ phí môn bài tương ứng với Vốn Điều lệ đã đăng ký.

Thứ sáu, phát hành hóa đơn giá trị gia tăng

Doanh nghiêp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử và thông báo phát hành hóa đơn với cơ quan thuế.

Thứ bảy, tiến hành kê khai báo cáo thuế

Sau khi thành lập, doanh nghiệp sẽ do cơ quan thuế quản lý việc hoạt động mua bán, cung cấp thương mại, dịch vụ. Đối với hoạt động của doanh nghiệp cần phải tiến hành các báo cáo hàng tháng, hàng quý, và báo cáo tài chính cuối năm nhằm duy trì các hoạt động của doanh nghiệp và báo cáo tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ tám, hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ, vốn

Đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần nhanh chóng hoàn thiện về thủ tục cấp giấy phép con, các chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật đối với ngành, nghề kinh doanh đó. Khi hoàn thiện đầy đủ các điều kiện, thì doanh nghiệp mới được phép hoạt động ngành, nghề kinh doanh ấy.

Công ty phải thực hiện đúng cam kết góp vốn trong thời hạn quy định 90 ngày kể từ khi có giấy phép kinh doanh. Trường hợp sau khi thành lập, có các phát sinh không mong muốn gây ảnh hưởng đến tài chính và thời hạn cam kết góp vốn, doanh nghiệp phải thực hiện làm thủ tục điều chỉnh vốn điều lệ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ chín, tham gia bảo hiểm cho người lao động

Tham gia bảo hiểm cho người lao động là trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy vậy, với hầu hết doanh nghiệp vừa thành lập thì đây lại là vấn đề hay bị thiếu sót.

Theo Quyết định 505/QĐ-BHXH, trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc hoặc ngày có hiệu lực của quyết định tuyển dụng người lao động, doanh nghiệp phải đăng ký tham gia BHXH cho người lao động. Đồng thời xây dựng Thang bảng lương và lưu trữ tại Doanh nghiệp để giải trình khi có yêu cầu.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về những lưu ý sau khi thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. 

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.