Tranh chấp đất đai có mồ mả được giải quyết như thế nào?
Tranh chấp đất đai có mồ mả về cơ bản vẫn là tranh chấp về đất đai nên được giải quyết theo các thủ tục giải quyết tranh chấp về đất đai. Tuy nhiên, mồ mả là vấn đề tâm linh, tín ngưỡng của người Việt Nam, mồ mả cũng không phải là một loại tài sản, vì vậy khi giải quyết các tranh chấp về đất đai mà có liên quan đến mồ mả cần hết sức lưu ý.
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có mồ mả được quy định như sau:
a. Thẩm quyền hoà giải tranh chấp về đất đai
Căn cứ quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013 thì Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
b. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Toà án được quy định tại Điều 203 Luật đất đai 2013 như sau:
“Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.”
2. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có mồ mả tại Toà án như sau
Trường hợp không thể hoà giải tại UBND xã, việc khởi kiện tại Toà án được thực hiện như sau
Bước 1. Cá nhân, tổ chức nộp đơn khởi kiện, tài liệu chứng cứ và nhận các văn bản, thông báo tố tụng.
Bước 2. Cơ quan Tòa án thông báo kết quả giải quyết đơn khởi kiện. Nếu đơn đủ điều kiện thụ lý thì cơ quan Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí đối với đơn khởi kiện. Căn cứ thông báo, cá nhân, tổ chức đến Cơ quan Thi hành án nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí tòa án.
Bước 3. Cá nhân, tổ chức nộp biên lai thu tiền tạm ứng đến Cơ quan Tòa án. Cơ quan Tòa án tiến hành thụ lý vụ án.
Bước 4. Nhận tài liệu, thông báo văn bản tố tụng theo địa chỉ đã đăng ký.
3. Trường hợp mồ mả nhà mình xây dựng trên đất của người khác có được di dời hay không?
Trường hợp mồ mả của gia đình xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng của người khác thì gia đình có quyền yêu cầu người chủ sử dụng đất tạo điều kiện để gia đình di dời mồ mả tổ tiên về đất của gia đình để thờ cúng. Gia đình cần ưu tiên thương lượng, hoà giải, nếu không hoà giải được mới tiến hành khởi kiện. Theo Án lệ số 56/2022/AL thì:
“Trong quá trình giải quyết vụ án các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của anh Vương Minh T và anh Vương Minh H có phần mộ của ông Vương Văn A; Bà V là vợ hợp pháp của ông Vương Văn A, nay bà có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng bà là ông Vương Văn A về phần đất nhà của bà để chôn cất và chăm sóc. Xét yêu cầu di dời hài cốt ông Vương Văn A là chồng của nguyên đơn bà Trần Thị Thu V là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam. Việc anh Vương Minh T và anh Vương Minh H đưa ra những lý do trên để ngăn cản bà V di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi bà V có mối quan hệ là vợ của ông Vương Văn A được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lýmồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật Dân sự năm 2015”.
Như vậy, việc di dời mồ mả phù hợp đạo lý, thuần phong mỹ tục của người Việt Nam, đúng theo Khoản 1 Điều 5 BLDS 2015 vì vậy cần giải quyết cho người đó di dồi mồ mả trong trường hợp mồ mả xây dựng trên đất của người khác.
4. Trường hợp mồ mả nhà người khác xây dựng trên đất nhà mình phải làm sao?
Nhà nước bảo vệ quyền sử dụng đất hợp pháp của công dân, vì vậy trường hợp phát hiện có mồ mả của người khác xây dựng trái phép trên đất của mình thì công dân có quyền khởi kiện yêu cầu người đó di dời mồ mả. Tuy nhiên Nhà nước cũng ưu tiên việc hoà giải các tranh chấp về đất đai, vì vậy gia đình nên ưu tiên thương lượng trước rồi mới khởi kiện. Gia đình cũng cần lưu ý không được động đến mồ mả, tránh trường hợp vi phạm điều 607 BLDS 2015 quy định về việc Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả:
“Điều 607. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.
2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.
3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Tin Tức mới nhất