Trường hợp thân nhân không được gặp người bị tạm giữ
I. Căn cứ pháp lý
1. Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
2. Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;
3. Thông tư 34/2017/TT-BCA ngày 19 tháng 9 năm 2017 quy định việc tổ chức cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân; nhận quà; gửi, nhận thư, sách, báo, tài liệu.
II. Khái quát về người bị tạm giữ
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Người bị tạm giữ có các quyền và nghĩa vụ như sau:
1. Về quyền:
Quyền của người bị tạm giữ được quy định tại khoản 2 Điều 59 Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó, người bị tạm giữ có các quyền như sau:
– Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này;
– Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
– Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
2. Về nghĩa vụ:
Người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Bộ luật này và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Có thể thấy trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 không quy định về quyền được gặp thân nhân của người bị tạm giữ mà quyền được gặp thân nhân được quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 như sau:
“Người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ. Người bị tạm giam được gặp thân nhân một lần trong một tháng; trường hợp tăng thêm số lần gặp hoặc người gặp không phải là thân nhân thì phải được cơ quan đang thụ lý vụ án đồng ý. Thời gian mỗi lần gặp không quá một giờ.”
Thân nhân đến gặp thì phải mang theo giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp là thân nhân của họ. Việc thăm gặp phải chịu sự giám sát, theo dõi chặt chẽ của cơ sở giam giữ, thân nhân cũng phải tuân thủ quy định về việc thăm gặp.
Như vậy, người bị tạm giữ được gặp thân nhân một lần trong thời gian tạm giữ, một lần trong mỗi lần gia hạn tạm giữ.
III. Các trường hợp thân nhân không được thăm gặp người bị tạm giữ
Căn cứ theo quy định pháp luật, không phải mọi trường hợp thăm gặp đều được giải quyết mà phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Khoản 4 Điều 22 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Thủ trưởng cơ sở giam giữ không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ trong các trường hợp sau đây và phải nêu rõ lý do:
– Trường hợp 1: Thân nhân không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ xác nhận về quan hệ với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc cơ quan đang thụ lý vụ án có văn bản đề nghị không cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam gặp thân nhân do thấy có ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vụ án; người bào chữa không xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy tờ về việc bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
– Trường hợp 2: Trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ hoặc để tổ chức truy bắt người bị tạm giữ, người bị tạm giam bỏ trốn;
– Trường hợp 3: Khi có dịch bệnh xảy ra tại khu vực có cơ sở giam giữ;
– Trường hợp 4: Khi cấp cứu người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc khi người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
– Trường hợp 5: Khi đang lấy lời khai, hỏi cung hoặc người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang tham gia các hoạt động tố tụng khác;
– Trường hợp 6: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam không đồng ý thăm gặp; trường hợp này, người thăm gặp được trực tiếp gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam để xác nhận việc không đồng ý thăm gặp;
– Trường hợp 7: Người đến thăm gặp cố ý vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ, chế độ quản lý giam giữ từ hai lần trở lên;
– Trường hợp 8: Người bị tạm giữ, người bị tạm giam đang bị kỷ luật theo quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.
Dẫn chiếu đến khoản 3 Điều 23, theo đó thân nhân không được gặp người bị tạm giam, tạm giữ nếu người đó đang bị kỷ luật, cụ thể: Người bị cách ly ở buồng kỷ luật nếu có hành vi chống phá quyết liệt cơ sở giam giữ, tự sát, tự gây thương tích cho bản thân, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị cùm một chân. Thời gian bị cùm chân do thủ trưởng cơ sở giam giữ quyết định. Không áp dụng cùm chân đối với người bị kỷ luật là người dưới 18 tuổi, phụ nữ, người khuyết tật nặng trở lên, người đủ 70 tuổi trở lên. Trong thời gian bị cách ly ở buồng kỷ luật, người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế việc thăm gặp, gửi, nhận thư, nhận quà.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 5, Thông tư 34/2017/TT-BCA có quy định thêm trường hợp cơ sở giam giữ được phép từ chối thân nhân không được gặp người bị tạm giữ ngoài các trường hợp được quy định tại khoản 4 Điều 22 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015. Cụ thể:
“Khi bàn giao người bị tạm giữ, người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ hoặc khi tiếp nhận hồ sơ hoặc khi có yêu cầu thì cơ quan đang thụ lý vụ án phải có ý kiến ngay bằng văn bản đề nghị không đồng ý cho thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam, nêu rõ lý do, thời hạn không cho thăm gặp; cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và thân nhân của họ biết khi đến thăm gặp.”
Riêng việc thăm gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người nước ngoài cũng được thực hiện theo những quy định thăm gặp nêu trên. Đối với việc tiếp xúc lãnh sự, tổ chức nhân đạo được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc thoả thuận về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc với tổ chức nhân đạo. Trong quá trình tiếp xúc, thăm gặp có thể mời đại diện của cơ quan ngoại giao Việt Nam hoặc đại diện Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng tham dự.
Tin Tức mới nhất