Vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Pháp luật Việt Nam có các quy định về tài sản vợ chồng, bao gồm các quy định về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt quyền sở hữu tài sản vợ chồng cũng như xác định các hành vi, xử sự của vợ chồng liên quan đến tài sản chung.
Trên thực tế, vì những lý do khác nhau mà nhiều cặp vợ chồng muốn được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và Bộ luật Dân sự có ghi nhận quyền của các cặp vợ chồng về việc yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân tại khoản 4 Điều 213 như sau: “4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.” Và bài viết này là nội dung tư vấn và phân tích các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là việc vợ chồng lập văn bản ghi nhận thoả thuận việc phân chia tài sản chung giữa hai vợ chồng và khi văn bản thoả thuận đó có hiệc lực thì vợ, chồng có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản mà mình được chia.
Cách thức chia: Luật Hôn nhân và gia đình quy định vợ chồng có thể chia tài sản chung theo cách chia một phần hoặc chia toàn bộ tài sản chung.
Hình thức của thỏa thuận: Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình là “2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định của pháp luật, không phải mọi yêu cầu, mọi trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân đều được chấp thuận và hợp pháp. Các trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu theo quy định của Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình nếu thuộc các trường hợp như sau:
“1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân dẫn đến những hậu quả pháp lý sau đây:
- Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.
- Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung. Hình thức thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản bắt buộc là văn bản và được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Kể từ ngày thỏa thuận chấm dứt hiệu lực việc chia tài sản chung có hiệu lực thì việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 33, Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014. Phần tài sản đã được chia vẫn thuộc sở hữu riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân“.
Trường hợp quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí. Trân trọng./.
(Luật sư Trịnh Thị Ngân)
Tin Tức mới nhất