Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa
1. Căn cứ pháp lý
– Luật Du lịch 2017;
– Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;
– Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch.
2. Điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 31 Luật Du lịch 2017, Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa khi đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều 31 Luật Du lịch 2017, cụ thể:
2.1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
2.2. Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng. Theo quy định tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP, mức ký quỹ được quy định khác nhau theo 2 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Từ nay đến hết ngày 31/12/2023, mức ký quỹ được quy định tại Điều 1 Nghị định 94/2021/NĐ-CP là 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng;
– Giai đoạn 2: Từ ngày 01/01/2024, mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được thực hiện theo quy định khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, cụ thể là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.
2.3. Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.
– Người phụ trách kinh doanh: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau: chủ tịch hội đồng quản trị; chủ tịch hội đồng thành viên; chủ tịch công ty; chủ doanh nghiệp tư nhân; tổng giám đốc; giám đốc hoặc phó giám đốc; trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành.
– Chuyên ngành về lữ hành: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL, chuyên ngành về lữ hành bao gồm một trong các chuyên ngành sau: (a) Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; (b) Quản trị lữ hành; (c) Điều hành tour du lịch; (d) Marketing du lịch; (đ) Du lịch; (e) Du lịch lữ hành; (g) Quản lý và kinh doanh du lịch.
– Chứng chỉ nghiệp vụ lữ hành nội địa: Nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quy định tại thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL.
3. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Căn cứ Khoản 1 Điều 32 Luật Du lịch 2017, Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bao gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mẫu số 04 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL;
– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
– Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.
4. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Luật Du lịch 2017, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về “Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa ”
Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần trao đổi thêm vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005 để được tư vấn miễn phí.
Trân trọng./.
Tin Tức mới nhất