Cần khuyến khích người có chức vụ, quyền hạn nộp lại quà tặng không đúng quy định

28 Tháng Mười, 2022

Vừa qua, theo Báo cáo kết quả phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, trong năm 2022, có 7 trường hợp nộp lại quà tặng, tổng số tiền 135 triệu đồng (Đà Nẵng 5 trường hợp, 131,1 triệu đồng; Trà Vinh 2 trường hợp, 4,2 triệu đồng). Dư luận cho rằng, con số này là quá nhỏ, chưa phản ánh đầy đủ, thực chất về việc nhận quà tặng trái quy định đã xảy ra trong thời gian qua.

Điển hình như vụ việc tham nhũng có số tiền “lại quả” lên đến hàng trăm tỉ đồng như vụ Việt Á nhưng những người có chức vụ, quyền hạn đã nhận quà tặng trái quy định lại không khai nhận và nộp lại để xử lý, chỉ khi bị khởi tố, thì số tiền “lại quả” mới bị phát hiện và tịch thu để xử lý theo quy định.

Việc tặng quà và nộp lại quà tặng được quy định cụ thể tại Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, được hướng dẫn Mục II Chương IV Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng. Theo đó, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình, cụ thể: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải giao lại quà tặng cho bộ phận chịu trách nhiệm quản lý quà tặng của cơ quan, đơn vị đó để xử lý theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối; trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, hiện nay việc đưa và nhận quà tặng diễn ra rất đa dạng, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như kết hợp đưa và nhận quà vào các lễ, tết, sinh nhật, đám cưới, tân gia,… nhằm né tránh các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đối tượng tặng quà là để được nhờ đỡ và thường lợi dụng các mối quan hệ sẳn có hoặc nhờ người khác liên hệ, dẫn dắt làm quen và đặt mối quan hệ với người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân của người đó để tìm hiểu nhu cầu, sau đó đáp ứng nhu cầu đó bằng cách trao tặng những món quà phù hợp với nguyện vọng của họ như tặng nhà, xe ô tô, đài thọ du học cho con người có chức vụ, quyền hạn,…

Do đó, trong một số trường hợp, người có chức vụ, quyền hạn khó có thể từ chối việc nhận quà tặng; đổi lại là người có chức vụ, quyền hạn giải quyết những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình để làm lợi cho đối tượng đã đưa quà như được sắp xếp để trúng thầu dự án xây dựng hoặc trúng đấu giá để khai thác khoáng sản; được ưu tiên ký kết các hợp đồng cung cấp trang thiết bị, dịch vụ cho các cơ quan nhà nước;… Đây là hành vi tham nhũng khá phổ biến cần phải có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Bên cạnh đó, nhiều người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì yêu cầu đối tượng đã đưa quà tặng nhận lại; trong trường hợp, người đã tặng quà không nhận lại nhưng người có chức vụ, quyền hạn vẫn không chịu báo cáo với Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp để xử lý theo quy định (việc này diễn ra khá phổ biến); lý do của việc không báo cáo và nộp lại quà tặng có thể là sợ dư luận phát hiện, làm ồn ào, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn và đối tượng đã đưa quà tặng.

Vì vậy, người có chức vụ, quyền hạn thông thường giàu rất nhanh là do lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện đều khai ra số tiền khủng để “lại quả” là những món quà đắt giá được tặng cho người có chức vụ, quyền hạn. Nhiều quà tặng trái quy định đã bị tịch thu sung công quỹ nhà nước nhưng cũng có quà tặng rất khó phát hiện hoặc phát hiện nhưng không thể thu hồi do thiếu chứng cứ và các bên có liên quan không thừa nhận hoặc người có chức vụ, quyền hạn đã tẩu tán tài sản.

Việc nhận quà không đúng quy định là hành vi bị cấm, do đó để không bị xử lý, người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, đồng thời, báo cáo và nộp lại quà tặng để cơ quan, người có thẩm quyền xử lý quà tặng theo đúng quy định.

Để người có chức vụ, quyền hạn tự nguyện, trung thực trong việc báo cáo và nộp lại quà tặng thì cần có cơ chế giám sát và khuyến khích người có chức vụ, quyền hạn nộp lại quà tặng. Theo đó, người nộp lại quà tặng cần phải được tuyên dương, khen thưởng và được hưởng tỉ lệ phần trăm của quà tặng sau khi đã báo cáo và nộp lại quà tặng không đúng quy định. Đồng thời, đối với những cán bộ như vậy cũng cần có sự quan tâm trong việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và ưu tiên bố trí vào những chức vụ cao hơn để phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham những. Bên cạnh đó, người đã tặng quà không đúng quy định cũng phải chịu các chế tài của pháp luật như bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có).

Theo: Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam

Nguồn: https://lsvn.vn/can-khuyen-khich-nguoi-co-chuc-vu-quyen-han-nop-lai-qua-tang-khong-dung-quy-dinh1663844695.html