Ai là người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật?

1. Khái niệm kết hôn trái pháp luật

Khi kết hôn, các bên điều kiện được pháp luật quy định, không vi phạm các trường hợp cấm thì hôn nhân mới được coi là hợp pháp. Có nghĩa là, khi tuân thủ các điều kiện kết hôn, thì cuộc hôn nhân mới có giá trị pháp lý, giữa các bên mới phát sinh và tồn tại quan hệ vợ chồng đúng nghĩa. Qua đó có thể hiểu, kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn do pháp luật quy định, cụ thể vi phạm về độ tuổi, về ý chí, về năng lực hành vi dân sự, vi phạm các trường hợp cấm kết hôn do pháp luật quy định. Căn cứ khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

6. Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này.

2. Người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật 

Thứ nhất, người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn có quyền tự mình yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm điều kiện tự nguyện

Thứ hai, nếu kết hôn chưa đủ tuổi, bị mất năng lực hành vi dân sự, hay thuộc trường hợp cấm kết hôn thì các cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật:

– Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật.

– Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình: cụ thể là Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương (Điều 3 Nghị định 02/2013/NĐ-CP Quy định về công tác gia đình)

– Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em: cụ thể là Uỷ ban nhân dân các cấp sẽ thực hiện quản lý nhà nước về trẻ em theo thẩm quyền (Khoản 1 Điều 90 Luật trẻ em 2016)

– Hội liên hiệp phụ nữ.

Thứ ba, các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức nêu trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

3. Thẩm quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật

Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định thẩm quyền xử lý việc kết hôn trái pháp luật do Tòa án thực hiện theo quy định tại Luật này và pháp luật về tố tụng dân sự. Đối chiếu điểm g, khoản 2, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định: 

Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

2. Thẩm quyền giải quyết việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

g) Tòa án nơi việc đăng ký kết hôn trái pháp luật được thực hiện có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật; 

Như vậy, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đăng ký kết hôn trái pháp luật sẽ là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc hủy hôn.

Trong trường hợp có yếu tố nước ngoài thì sẽ thực hiện thủ tục hủy hôn tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Trừ trường hợp khu vực sát biên giới Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án cấp huyện. 

Ví dụ: Công dân Việt Nam kết hôn trái pháp luật với công dân Lào sinh sống tại khu vực xã giáp biên giới, thì khi có yêu cầu hủy hôn, thẩm quyền giải quyết vẫn là của Tòa án cấp huyện dù có yếu tố nước ngoài.

4. Hồ sơ, trình tự thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

4.1. Thành phần hồ sơ

Để thực hiện yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cần chuẩn bị hồ sơ gồm: 

Thứ nhất, đơn yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Đơn này cần đảm bảo các nội dung theo quy định tại khoản 2 điều 362 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:

Điều 362. Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự

2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn;

b) Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc dân sự;

c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;

d) Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó;

đ) Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó (nếu có);

e) Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.

Thứ hai, bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

Thứ ba, bản sao chứng minh nhân dân; căn cước công dân của hai vợ chồng.

Thứ tư, các tài liệu, chứng cứ, chứng minh việc vi phạm điều kiện kết hôn.

4.2. Trình tự, thủ tục thực hiện yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền như đã phân tích ở trên 

Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ

– Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ giấy tờ hợp lệ, Tòa án sẽ thông báo về việc nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự. 

– Người yêu cầu giải quyết nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự và Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.

5. Lệ phí

Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH thì lệ phí giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật là 300.000 đồng.

Trên đây là tư vấn của Luật Khoa Tín về vấn đề: “Ai có thẩm quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật.”

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0983 533 005 để được tư vấn miễn phí. 

Trân trọng./.