Bản án ly hôn của Tòa án nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam không? Thủ tục yêu cầu công nhận được quy định như thế nào?

1. Quy định áp dụng:

Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS)

2. Bản án ly hôn của Toà án nước ngoài có được công nhận tại Việt Nam không?

Bản án ly hôn của Toà án nước ngoài được đương nhiên công nhận tại Việt Nam mà không cần làm thủ tục yêu cầu công nhận trong trường hợp:

(i) Việt Nam và nước đó không phải là thành viên của một điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và

(ii) Không có đơn yêu cầu không công nhận bản án đó tại Việt Nam. 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 431 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam thì:

Điều 431. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài đương nhiên được công nhận tại Việt Nam

2. Bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam.”

Như vậy, bản án về việc ly hôn thuộc trường hợp bản án, quyết định về hôn nhân và gia đình vì vậy được đương nhiên công nhận tại Việt Nam trừ trường hợp được quy định tại Điều 431 BLTTDS.

3. Thủ tục yêu cầu công nhận và cho thi hành án/quyết định ly hôn của Toà án nước ngoài

a. Thời hiệu yêu cầu thi hành: 3 năm, không tính thời gian diễn ra trường hợp bất khả kháng (Theo quy định tại Điều 432 BLTTDS)

b. Thủ tục yêu cầu: Người yêu cầu nộp đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành cùng với các giấy tờ khác (Nếu có) cho Toà án nhân dân tỉnh nơi bị đơn sinh sống hoặc nơi có bất động sản.

c. Hồ sơ (Theo Điều 433 và Điều 434 BLTTDS) bao gồm:

1) Đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành. Đơn bao gồm các nội dung:

a) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được thi hành, người đại diện hợp pháp của người đó; nếu người được thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phải ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó;

b) Họ, tên, địa chỉ nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người phải thi hành; nếu người phải thi hành là cơ quan, tổ chức thì ghi đầy đủ tên và địa chỉ trụ sở chính của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp người phải thi hành là cá nhân không có nơi cư trú hoặc nơi làm việc tại Việt Nam, người phải thi hành là cơ quan, tổ chức không có trụ sở chính tại Việt Nam thì trong đơn yêu cầu phải ghi rõ địa chỉ nơi có tài sản và các loại tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam;

c) Yêu cầu của người được thi hành; trường hợp bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài đã được thi hành một phần thì người được thi hành phải ghi rõ phần đã được thi hành và phần còn lại có yêu cầu công nhận và cho thi hành tiếp tại Việt Nam.

2) Đơn yêu cầu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

3) Giấy tờ, tài liệu được quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định cùng là thành viên. Trường hợp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về vấn đề này thì kèm theo đơn yêu cầu phải có giấy tờ, tài liệu sau đây:

a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực bản án, quyết định do Tòa án nước ngoài cấp;

b) Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận bản án, quyết định đó có hiệu lực pháp luật, chưa hết thời hiệu thi hành và cần được thi hành tại Việt Nam, trừ trường hợp trong bản án, quyết định đó đã thể hiện rõ những nội dung này;

c) Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận kết quả tống đạt hợp lệ bản án, quyết định đó cho người phải thi hành;

d) Văn bản của Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác nhận người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã được triệu tập hợp lệ trong trường hợp Tòa án nước ngoài ra bản án vắng mặt họ.

Lưu ý: Giấy tờ, tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được gửi kèm theo bản dịch ra tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.