Bảo vệ quyền đối với hình ảnh của mỗi cá nhân

1. Pháp luật quy định thế nào về quyền đối với hình ảnh của mỗi cá nhân?

Quyền con người (nhân quyền) là những quyền tự nhiên, vốn có của mỗi cá nhân được pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế ghi nhận và bảo vệ. Trong đó, quyền về hình ảnh cá nhân là một trong những quyền cơ bản và quan trọng nhất; Không chỉ trên phương diện độc quyền, đặc trưng về nhân thân mà còn liên quan trực tiếp tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của mỗi người.

Hình ảnh cá nhân là sự phản ánh hình thể bên ngoài của con người, được ghi lại thông qua sự chiếu – chụp, truyền tải, lưu trữ… bằng các thiết bị, khí cụ quang học, vật lý. Cùng với sự phát triển của khoa học – công nghệ, kỹ – mỹ thuật, hình ảnh cá nhân được thể hiện trực tiếp qua hình ảnh, video, hình vẽ, đồ họa, tượng …. và trở thành một nguồn tài nguyên vô cùng giá trị, có thể khai thác dưới nhiều góc độ và mục đích khác nhau. Do đó, việc bảo vệ quyền nhân thân đối với hình ảnh cá nhân là vô cùng quan trọng và cần thiết, đòi hỏi phải phù hợp với quy định pháp luật, đạo đức xã hội và sự phát triển chung về Nhân quyền tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Bộ luật dân sự năm 2015, một lần nữa, ghi nhận quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình: “Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”Theo đó, mọi cá nhân, không phân biệt giới tính, độ tuổi, dân tộc, địa vị xã hội…đều có quyền cá nhân đối với hình ảnh của mình và bình đẳng với nhau trước pháp luật.

Đây là sự tiến bộ và mở rộng hơn về quy định pháp lý liên quan tới quyền cá nhân về hình ảnh so với Bộ luật dân sự năm 2005. Theo đó, Bộ luật dân sự năm 2005 có ghi nhận: Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý. Như vậy, quyền nhân thân của mỗi cá nhân, trong một số trường hợp có thể không thuộc quyền quyết định của mình mà bị sự chi phối, quyết định từ người khác. Mặc dù phù hợp với quy định, quan điểm về người giám hộ đối với người mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự; người chưa thành niên có quyền đại diện và quyết định các vấn đề cơ bản nhưng quy định này vô tình xâm phạm vào quyền con người của mỗi cá nhân. Do đó, quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 đã khắc phục những thiếu sót này, ghi nhận quyền cá nhân về hình ảnh cho mọi đối tượng, thể hiện sự tiến bộ về quan điểm học thuật cũng như quy định pháp lý. Vì vậy, dù bố mẹ, anh, chị em trong gia đình cũng không được tự ý sử dụng hình ảnh của con, em, cháu… khi chưa có sự đồng ý; Cơ quan, tổ chức không có quyền tự ý sử dụng hình ảnh của cá nhân…

Tuy nhiên, đối với các hình ảnh từ hoạt động công cộng, hoạt động nhân danh cơ quan Nhà nước thì các hình ảnh của cá nhân có liên quan khi sử dụng không bắt buộc phải có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.” Bởi lẽ các hình ảnh của mỗi cá nhân trong các hoạt động này đều vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đồng nên việc sử dụng hình ảnh của cá nhân vào mục đính đúng đắn thì sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp, to lớn cho xã hội nên cần được ghi nhận và cho phép sử dụng nhưng không được làm ảnh hưởng, tổn hại đến danh sự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân người có hình ảnh.

2. Xử phạt đối với việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác trái quy định pháp luật

Trong cuộc sống hiện tại, internet và mạng xã hội ngày một phát triển, dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của hầu hết mọi người, thuộc đủ tầng lớp xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực, mạng xã hội, internet cũng ẩn chứa những nguy hiểm to lớn cho người dùng, đặc biệt là về mặt thông tin cá nhân và hình ảnh cá nhân. Rất nhiều cá nhân, tổ chức cố tình hoặc vô tình thu thập thông tin, hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác trên internet sau đó đăng tải lên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, Twitter … cũng những thông tin sai lệch, không kiểm chứng và đã để lại những hậu quả khôn lường. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân trước sự thu thập, xử lý, đăng tải hình ảnh, dữ liệu, thông tin cá nhân khi không được sự đồng ý.

Nghị định số: 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (có hiệu lực từ ngày 15/4/2020) quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

– Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật;

– Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;

– Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

– Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

…..

Việc đăng tải, phát tán hình ảnh, thông tin khi chưa có sự đồng ý của người có hình ảnh thì người đăng tải sẽ buộc phải gỡ bỏ, đính chính hoặc khôi phục hiện trạng. Nếu các hành vi trên gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hình ảnh thì người đó có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Trường hợp cố ý vi phạm, có đủ căn cứ theo quy định thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường theo quy định.

Do vậy, việc sử dụng hình ảnh, thông tin của cá nhân và cơ quan, tổ chức phải vô cùng cẩn trọng và phải thực hiện đúng theo các quy định pháp luật. Mọi hành vi cố ý vi phạm, bằng bất cứ hành vi, hình thức nào đều sẽ bị xử lý và phải chịu hình phạt thích đáng đối với hành vi và mức độ thiệt hại.

Trên đây là tư vấn của Khoa Tín về “Bảo vệ quyền đối với hình ảnh của mỗi cá nhân“.

Trường hợp Quý khách hàng có vấn đề chưa rõ hoặc cần phải trao đổi thêm, vui lòng gọi ngay cho chúng tôi theo số 0983.533.005  để được tư vấn miễn phí.

Trân trọng./.