Các trường hợp luật sư được chuyển giao vụ việc đã nhận cho luật sư khác làm thay

Luật sư có nhiều nguyên tắc cần tuân thủ khi tham gia hành nghề. Những nguyên tắc này được quy định tại Luật Luật sư và sau đó được đưa vào Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Nguyên tắc được đưa ra để điều chỉnh mối quan hệ của luật sư đối với tổ chức hành nghề, luật sư đối với khách hàng, mối quan hệ giữa các luật sư với nhau,… Một trong số những nguyên tắc giữa luật sư và khách hàng mà luật sư cần tuân thủ đó là “Không được chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay”.

Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 3 Điều 24 Luật Luật sư như sau:

3. Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng.

Như vậy, khi đã nhận thực hiện một vụ việc từ khách hàng thì luật sư không được chuyển giao vụ việc đó cho luật sư khác làm thay mình trừ trường hợp khách hàng đồng ý hoặc trong trường hợp bất khả kháng.

Quy định này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

1. Thứ nhất, vì lý do bảo mật

Khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng, luật sư cần tuân thủ quy tắc bảo mật thông tin được quy định tại Điều 25 Luật Luật sư và Quy tắc 7 của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam:

Quy tắc 7. Giữ bí mật thông tin

7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.

7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Khi Luật sư giao vụ việc cho Luật sư khác làm thay đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin hồ sơ khách hàng đều được giao cho luật sư khác, việc này đã vi phạm vào Quy tắc 7 nêu trên.

2. Thứ hai, vì quyền lợi của khách hàng

Khi khách hàng đồng ý để Luật sư tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc cũng đồng nghĩa với việc khách hàng đã đặt niềm tin vào khả năng của Luật sư, việc chuyển giao vụ việc cho Luật sư khác làm thay có thể không đảm bảo chất lượng công việc, Luật sư được chuyển giao có thể không đủ khả năng thực hiện vụ việc. Vì vậy, để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng thì khách hàng cần được biết và tin tưởng vào luật sư nhận chuyển giao vụ việc và đồng ý với việc chuyển giao đó. 

Ngoài ra, khi Luật sư thực hiện theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư cần tuân thủ hợp đồng, không được tự ý chấm dứt, việc chuyển giao cho luật sư khác làm thay cũng có thể vi phạm hợp đồng dịch vụ pháp lý.

3. Trường hợp bất khả kháng

Trường hợp bất khả kháng chưa được Luật Luật sư quy định cụ thể, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể hiểu theo định nghĩa của Bộ luật dân sự:

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Nghĩa là khi xảy ra một sự kiện khách quan và luật sư không thể khắc phục được dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết. Ví dụ như: Luật sư đang giải quyết hai vụ án và hai vụ án đều mở phiên tòa cùng ngày, không thể hoãn; thiên tai, dịch bệnh,… khiến luật sư không thể di chuyển đến địa điểm của khách hàng để giải quyết công việc; Luật sư gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục thực hiện vụ việc;…