Các trường hợp phải xét nghiệm HIV bắt buộc

I. Căn cứ pháp lý

Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, sửa đổi bổ sung năm 2020.

Thông tư 33/2011/TT-BYT về xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết.

Nghị định 108/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).

II. Khái niệm

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2020HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Human Immunodeficiency Virus” là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.”

Căn cứ điểm a Khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, sửa đổi bổ sung năm 202011. Xét nghiệm HIV là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người, bao gồm xét nghiệm sàng lọc HIV và xét nghiệm khẳng định HIV dương tính”

III. Các trường hợp phải xét ngiệm HIV bắt buộc

Theo quy định tại Khoản 1,2,3 Điều 28 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006, sửa đổi bổ sung năm 2020; Thông tư 33/2011/TT-BYT và Nghị định 108/2007/NĐ-CP quy định các trường hợp xét nghiệm HIV bắt buộc như sau:

1. Xét nghiệm HIV bắt buộc đối với trường hợp có trưng cầu giám định tư pháp hoặc quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân hoặc Toà án nhân dân. 

2. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc xét nghiệm HIV bắt buộc trong một số trường hợp cần thiết để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh. (Khoản 1,2,3,4 Điều 1 Thông tư 33/2011/TT-BYT)

  • Người hiến mô, bộ phận cơ thể người.
  • Người nhận mô, bộ phận cơ thể người.
  • Người cho tinh trùng, noãn.
  • Người nhận tinh trùng, noãn, phôi.

3. Chính phủ quy định danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng (Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP)

  • Thành viên tổ lái theo quy định tại Điều 72 của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006: “1. Thành viên tổ lái là người thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, bao gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại tàu bay. 2. Tàu bay chỉ được phép thực hiện chuyến bay khi có đủ thành phần tổ lái theo quy định của pháp luật quốc gia đăng ký tàu bay hoặc quốc gia của người khai thác tàu bay.”
  • Nghề đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng.
  • Khi đã tuyển dụng mà phát hiện người lao động nhiễm HIV, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định tại Điều 14 của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006.

Như vậy, ngoài các trường hợp xét nghiệm HIV bắt buộc trên thì các trường hợp còn lại được xét nghiệm trên cơ sở tự nguyện được quy định tại Điều 27 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2020:

“1. Người từ đủ 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV

2. Việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người đó.”

IV. Kinh phí thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc

Căn cứ Điều 3 Thông tư 33/2011/TT-BYT:

“1. Chi phí xét nghiệm HIV đối với các trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 1 Thông tư 33/2011/TT-BYT:

a) Trường hợp người hiến mô, bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn (sau đây gọi tắt là người hiến) đã có người nhận: Chi phí xét nghiệm HIV của người hiến do cơ sở nhận mô, bộ phận cơ thể người hoặc nhận tinh trùng, noãn chi trả, sau đó được tính vào chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nhận tinh trùng, noãn;

b) Trường hợp người hiến chưa có người nhận: Chi phí xét nghiệm HIV của người hiến do cơ sở nhận mô, bộ phận cơ thể người hoặc nhận tinh trùng, noãn chi trả, sau đó được tính vào giá dịch vụ ghép mô, bộ phận hoặc giá dịch vụ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở đó theo nguyên tắc bảo đảm lấy thu bù chi.

2. Chi phí xét nghiệm HIV đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 4 và Điều 1 Thông tư  33/2011/TT-BYT:

a) Trường hợp người được xét nghiệm HIV có thẻ bảo hiểm y tế: Được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả theo phạm vi quyền lợi được hưởng;

b) Trường hợp người được xét nghiệm HIV không có thẻ bảo hiểm y tế: Chi phí xét nghiệm HIV do người được xét nghiệm tự chi trả theo chế độ viện phí hiện hành.”

Trên đây là nội dung vấn của Khoa Tín các quy định về các trường hợp phải xét nghiệm HIV bắt buộc. Trường hợp có vướng mắc, Quý khách hàng vui lòng liên hệ sớm với chúng tôi để được tư vấn, giải đáp.

Trân trọng./.